Video Tin trong nước

Văn Cao: Người nghệ sĩ bậc thầy của nền nghệ thuật Việt Nam

Hôm nay (15/11) đánh dấu tròn 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, một bậc kỳ tài không chỉ của nền âm nhạc mà còn cả nền nghệ thuật Việt Nam. Sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tài hoa âm nhạc, thi ca và hội họa đã khiến ông trở thành tượng đài bất hủ.
15:06 - 15/11/2023

Văn Cao: Người nghệ sĩ bậc thầy của nền nghệ thuật Việt Nam

Văn Cao bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật từ sớm với việc sáng tác nhạc, khi mới 16 tuổi. Ở độ tuổi thiếu niên, khó ai tin ông có thể viết ca khúc Buồn tàn thu (1939), với ca từ trĩu nặng tâm tư. Sau đó, hàng loạt nhạc phẩm mang âm hưởng trữ tình lãng mạn được ra đời, như Suối mơ, Trương Chi, Thiên thai…

Sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao dù đa dạng về thể loại, phong phú về chủ đề nhưng tựu chung đều gắn liền những dấu mốc lịch sử của dân tộc. Cuối năm 1944, ông tham gia cách mạng. Từ đó, các sáng tác của ông mang âm điệu mới, hào sảng, thúc đẩy tinh thần chiến đấu. Thời kỳ này, ông cũng viết những ca khúc trữ tình, chứa đựng tình yêu nước, yêu đời, như: Làng tôi, Ngày mùa. Sau năm 1954, Văn Cao ít có sáng tác mới. Đến mùa xuân năm 1975, ông quay về chất trữ tình vốn có và viết Mùa xuân đầu tiên. 

Nhưng Văn Cao không chỉ là một nhạc sĩ, ông còn là một thi sĩ tài hoa. Văn Cao được nhận định là sánh ngang với 3 tên tuổi đi đầu về thể thơ cách tân là Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Thơ ông "ít nhưng chất". Ông chỉ viết chừng 60 bài nhưng đều chứa đựng triết lý tư tưởng đặc biệt về cuộc sống, thân phận con người, tình yêu quê hương, đất nước. 

Văn Cao sáng tác ở giai đoạn cuối của phong trào Thơ mới, với những bài Li khách, Linh cầm tiến, Ai về Kinh Bắc, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế. Giai đoạn cách mạng, hai bài thơ Chiếc xe xác qua phương Dạ Lạc cuối năm 1945 và Ngoại ô mùa đông năm 1946 minh chứng cho sự chuyển đổi trong thơ Văn Cao, khi ông không còn tìm kiếm cái đẹp trong nỗi buồn, cô liêu.

Với hội họa, dù không để lại một di sản đồ sộ và lừng lẫy như trong lĩnh vực âm nhạc, thậm chí chỉ bước chân vào hội họa như một lãng khách và để mưu sinh, nhưng với hàng trăm bức tranh minh họa sách văn học, báo chí và tranh sơn dầu, Văn Cao đã ghi tên mình đầy ấn tượng trong làng mỹ thuật bởi cá tính độc đáo, bút pháp và màu sắc riêng biệt. Người nghệ sĩ đa tài ấy trong cuộc sống bình thường lại vô cùng khiêm cung, độ lượng…

Dù đã về cõi “Thiên thai” nhưng thời gian không những không lãng quên Văn Cao, mà trái lại, tên tuổi của ông càng ngời sáng, khắc sâu về một bậc kỳ tài trăm năm có một./.

Thực hiện: Anh Vũ – Lê Hải – Trọng Khánh