Video Tin trong nước

8 bộ, 35 địa phương xin trả, giảm đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

Tại Hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022, Bộ Tài chính cho biết có 8 bộ, 35 địa phương xin trả, giảm đầu tư công nguồn vốn nước ngoài.
21:57 - 01/12/2022

8 bộ, 35 địa phương xin trả, giảm đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

Đến hết tháng 11/2022, đầu tư công nguồn vay nước ngoài cả nước mới giải ngân được 26,06% kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài; 8/13 Bộ, ngành đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn; 35/59 địa phương đề nghị giảm vốn. Trước tình trạng này, Tại Hội nghị tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022 diễn ra sáng nay, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đưa ra giải pháp đẩy mạnh giải ngân lượng vốn khổng lồ còn lại trong những tháng cuối năm để Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong 13 bộ, ngành và 59 địa phương tham gia Hội nghị trực tiếp và trực tuyến sáng nay tại Bộ Tài chính, có rất ít bộ, ngành, địa phương có báo cáo khả quan về tiến độ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài. Điển hình như TP. Hà Nội được giao 5 dự án thì có tới 4 dự án xin điều chỉnh vốn, và đến hết 11/2022 mới chỉ đạt hơn 35% kế hoạch vốn được giao; TP. Hồ Chí Minh có 7 dự án thì có tới 4 dự án giải ngân bằng 0; Hà Giang được giao 7 dự án thì xin hủy vốn 4 dự án, hiện mới triển khai được hơn 9% tổng vốn được giao; Bộ GD&ĐT được giao 4 dự án, đến nay mới giải ngân được 20% vốn được giao…

Trước tiến độ giải ngân ì ạch này, Bộ Tài chính khẳng định sẽ đề nghị Chính phủ không cho phép kéo dài kế hoạch vốn năm 2022, trường hợp không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022, số không giải ngân sẽ bị hủy bỏ theo quy định của Luật Đầu tư công, và các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2023 để thực hiện tiếp dự án. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng nêu rõ: Việc chậm giải ngân như hiện nay gây ra những hệ quả không nhỏ, không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của hàng nghìn người lao động, và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến việc chi trả lãi suất, bởi nếu điều chỉnh vốn sẽ khiến thời gian vay vốn kéo dài và tăng chi trả lãi suất vay, gây thêm áp lực cho nền kinh tế đất nước./.

Thực hiện: Vũ Đào – Minh Quân