Giáo sư Peter Harrison, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Biển của Đại học Nam Cross, Australia, đi đầu trong việc phát triển kỹ thuật phục hồi ấu trùng san hô, trong đó có thu thập tinh trùng và trứng san hô cho quá trình sinh sản hàng loạt mỗi năm trên rạn san hô. Sau khi ấu trùng được nuôi ở những khu vực được thiết kế đặc biệt trong khoảng một tuần, các nhà khoa học phân bổ chúng đến khu vực rạn san hô bị hủy hoại, cần khôi phục san hô sống.
Harrison và nhóm của ông, kết hợp với Tổ chức Rạn san hô Great Barrier, lần đầu tiên triển khai cách làm này ngay ngoài khơi đảo Heron vào năm 2016, nơi hiện có hơn 60 loài san hô đang trở thành quần thể đầu tiên được tái tạo trên rạn san hô Great Barrier bằng quy trình này.
Các loài san hô được phục hồi ở mức độ khác nhau, từ vài cm đến bằng đường kính đĩa ăn, và khỏe mạnh, mặc dù trải qua một đợt tẩy trắng ở đảo Heron hồi đầu năm 2020.
Các nhà khoa học cho biết, đợt tẩy trắng san hô hồi tháng Ba năm 2020 là đợt tẩy trắng lớn nhất của rạn san hô Great Barrier. Điều tương tự đã xảy ra 3 lần trong vòng 5 năm. Quá trình tẩy trắng xảy ra khi nước biển ấm lên phá hủy các loài tảo, vốn là thức ăn của san hô, khiến chúng chuyển sang màu trắng.
Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm nghiên cứu Rạn san hô thuộc Đại học James Cook, Australia, cho thấy rạn san hô Great Barrier đã mất hơn một nửa lượng san hô trong ba thập kỷ qua.
Rạn san hô này trải dài 2.300 km xuống bờ biển đông bắc của Australia. Nó đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1981, là hệ sinh thái rạn san hô rộng lớn và ngoạn mục nhất trên hành tinh.
Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.