Có hai điều khiến Bản Phùng trở thành một miền cổ tích thơ mộng và yên bình trong lòng mỗi du khách. Điểm đầu tiên phải kể đến cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.
Một ngày ở Bản Phùng thường được bắt đầu với những biển mây bao la. Ở nơi khác, người ta phải canh ngày để săn mây, còn ở Bản Phùng chúng tôi hay nói đùa nhau rằng “mây săn người”. Chữ “Phùng” theo một nghĩa nào đó là gặp gỡ, có lẽ bản nhỏ này là nơi gặp gỡ của núi cao với trời mây bao la với những rải mây bồng bềnh ấp ôm lấy những thửa ruộng, những ngôi nhà.
Bản Phùng có 120ha ruộng bậc thang trải dài đã được công nhận là di sản và được đánh giá là một trong những hệ thống ruộng bậc thang đẹp nhất cả nước. Đây là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp nơi đây, trải qua quá trình hàng trăm năm, đồng bào dân tộc trên mảnh đất này đã không ngừng tôn tạo bồi đắp để tạo lên những thửa ruộng bậc thang trùng điệp trải dài quanh các sườn núi, đó là minh chứng rõ nét nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của bà con các dân tộc thiểu số trong vùng, cũng là minh chứng cho sự quật cường và tài giỏi của con người khắc phục thiên nhiên.
Khi chúng tôi ghé thăm Bản Phùng cũng là lúc mùa vàng đang bước vào những ngày cuối, người ta đang hối hả gặt nốt cho xong để còn kịp nắng thu phơi thóc trước khi bước vào những ngày đông lạnh giá. Thế nhưng những điều đó cũng không thể làm chúng tôi hết choáng ngợp bởi vẻ đẹp của một tấm thảm vàng như nhung trải dài trên các triền núi.
Một điều đặc biệt ở bản Phùng là những người La Chí sẽ làm nhà ngay giữa những thửa ruộng bậc thang của gia đình mình. Hàng trăm năm qua, con người và thiên nhiên sống chan hòa với nhau tạo nên một bức tranh đẹp đẽ và sinh động. Bức tranh của cuộc sống con người vùng cao.
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.