Video Phóng sự VOV

Bảo hiểm Tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp: Chỗ dựa thiết thực của người lao động lúc rủi ro

Thời gian qua, chính sách BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phát huy hiệu quả, góp phần chia sẻ rủi ro cho người lao động, hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giảm gánh nặng cho người sử dụng lao động cũng như NN và XH.
15:04 - 19/12/2023

Cho đến giờ Anh Nguyễn Tiến Đồng vẫn nhớ như in những vất vả khi bị tai nạn lao động năm 2007. Tuy nhiên, nhờ những hỗ trợ của quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, anh và gia đình đã vượt qua được những khó khăn thời điểm đó. Hiện giờ anh đã được công ty chuyển công việc sang bộ phận phù hợp hơn tại Đội quản lý vận hành lưới điện Yên Bái, thuộc Công ty Điện lực Yên Bái. 

Không chỉ đối với các trường hợp tai nạn lao động, người lao động làm việc trong môi trường độc hại khi chẳng may mắc bệnh nghề nghiệp cũng được bù đắp một phần tổn thất.

Thực hiện quy định của Luật ATVSLĐ và Nghị định 88/2020/NĐ-CP, hầu hết các trường hợp TNLĐ, BNN đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, riêng năm 2022 vừa qua, cả nước đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.652 người, giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một lần đối với 5.512 người. Tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc thực hiện chế độ này còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là các quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Để thực hiện tốt hơn việc giải quyết chế độ hưởng cho người lao động bị TNLĐ, BNN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, bên cạnh việc thúc đẩy công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc trong quá trình chi trả chính sách, chế độ BH TNLĐ, BNN cho người lao động.

Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và bản thân người lao động, chính sách Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ ngày càng khẳng định rõ tính ưu việt, thực sự là giá đỡ, điểm tựa an sinh của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển./.

Thực hiện: Minh Quyên