Khu rừng nghiến nguyên sinh của thôn Đông Đằng rộng hơn 13 ha. Trong khi rừng nghiến ở nhiều nơi bị khai thác, chặt phá, thì rừng nghiến ở đây lại được giữ nguyên như vốn có từ thuở hồng hoang.
Chúng tôi theo chân những người trong đội “canh giữ rừng” và cán bộ của địa phương đến khu rừng nghiến nguyên sinh trong một ngày mưa. Cơn mưa nhỏ nhưng dai dẳng của những ngày trời đất giao mùa khi tiết xuân vẫn còn chùng chình níu giữ đủ để không khí vùng cao còn se se lạnh và đường rừng trên núi đá trơn trượt.
Ngay ở lối đi sát bìa rừng, chúng tôi được dặn kỹ không được chạm vào cây lá han, một thứ cây có lá màu tím như tía tô, mọc từng đám thấp dưới tán rừng. Trông loài cây nhỏ dại thân quen nhưng lại là thứ cây độc mà ai chạm da vào sẽ bị mẩn ngứa.
Cánh rừng già rậm rạp được cơn mưa nhỏ rỉ rả cả đêm qua đã gột rửa sạch lớp bụi trên những tán lá xanh sẫm. Mưa ướt, đường trơn không làm chúng tôi chùn chân trên những phiến đá xếp lớp so le nhau đầy hoang sơ.
Mỗi tháng, đội “canh giữ rừng” của thôn lại đi tuần rừng định kỳ, vừa kiểm tra tình hình rừng gỗ quý, vừa để phát hiện người lạ vào khai thác trộm. Thôn còn thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” bao gồm cán bộ thôn, đoàn thanh niên, dân quân sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn, “lâm tặc” hoặc xói lở, đá lăn”. Bản thân mỗi người dân trong bản sống cạnh khu rừng cũng là tai mắt bảo vệ rừng, nếu phát hiện có người lạ vào rừng sẽ báo ngay cho đội canh rừng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý.
Cả khu rừng gỗ nghiến nguyên sinh được giữ nguyên cho tới ngày nay là nhờ chính những người dân bản Tày sống ngay dưới chân núi, sát bìa rừng.
Họ sống quần cư thành một bản, sống dưới những ngôi nhà sàn lợp ngói âm dương cổ kính tạo nên nét thâm trầm giữa non xanh của núi rừng biên giới xứ Lạng. Cuộc sống của bà con dân tộc Tày nơi đây ngày qua ngày trôi qua bình yên giữa khung cảnh thiên nhiên núi rừng điệp trùng.
Cuộc sống của dân bản bình yên, một phần cũng nhờ cánh rừng nguyên sinh ngay sát rìa làng. Rừng đã che chở cho họ, chắn đá lăn, chắn mưa lũ dữ ập xuống bản làng. Vì thế mà từ thế hệ này qua thế hệ khác bà con đã cùng nhau gìn giữ cánh rừng gỗ nghiến nguyên sinh vì chính cuộc sống của bản mình.
Cuộc sống người dân nơi đây được bình yên bởi được cánh rừng nguyên sinh che chở, ngăn lũ và tạo môi trường sinh thái. Có lẽ ít ai nghĩ rằng rừng cây gỗ nghiến quý hiếm như vậy còn tồn tại ở vùng đất biên giới mà nhiều khu rừng đã “chảy máu” vì nạn khai thác gỗ trái phép. Điều đó minh chứng cho ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của cộng đồng bà con dân tộc Tày. Và cánh rừng nguyên sinh vẫn xanh thẫm màu lá nghiến trường tồn cùng núi non.
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.