Bình Dương: Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Từ một tỉnh nông nghiệp, sau 26 năm, Bình Dương vươn lên trở thành tỉnh có tốc độ đô thị hóa thứ hai cả nước, đạt 84% và dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người (166 triệu/năm), quy mô kinh tế đạt trên 459 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 117 lần so với năm 1997. Để có được thành công như hiện nay, bên cạnh sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền Bình Dương những năm qua luôn đóng vai trò nền tảng, kiến tạo, là động lực và cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy tối đa sức sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển chung.
Đơn hàng bị cắt giảm, nhiều đơn hàng cũ bị hủy – đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Mặc dù là một trong những nhà sản xuất gốm sân vườn lớn nhất Việt Nam nhưng đơn vị này cũng không tránh được những ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực tự thân cùng các chính sách và sự trợ lực từ chính quyền, Gốm Phước Dũ Long đã tìm được những đơn hàng mới, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động trong đơn vị.
Đối với những khó khăn của các cơ sở Sơn Mài, Bình Dương cũng đã và đang triển khai nhiều cơ chế chính sách dành cho làng nghề, như dự án phát triển du lịch liên kết với làng sơn mài, xây dựng nhãn hiệu tập thể, hỗ trợ vốn… Đặc biệt, theo Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương, thời gian qua, ngành công thương đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận với thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó đã đem đến kết quả rất thành công và tạo thêm động lực để các đơn vị nỗ lực giữ gìn, phát triển nghề.
Với quan điểm đồng hành cùng DN, xem sự phát triển của DN chính là sự phát triển của tỉnh, thời gian qua Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cùng nhiều cam kết, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thông qua các buổi khảo sát, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, chính quyền đã lắng nghe và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) cũng đã đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm của DN trong tỉnh ra 170 Trung tâm Thương mại trên thế giới, tạo điều kiện cho các DN có thêm đơn hàng sản xuất, tạo việc làm cho NLĐ.
Cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp... Nhờ đó, những năm gần đây, Bình Dương đã vươn lên nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về PCI và đứng thứ hai cả nước, chỉ sau TP.HCM về thu hút vốn FDI.
Mặc dù bức tranh kinh tế cuối năm 2023 và đầu năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với sự hỗ trợ, tạo điều kiện hết mức của các cấp, các ngành tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, vươn ra biển lớn để đóng góp cho sự phát triển của địa phương và đất nước./.
Thực hiện: Minh Quyên – Ngọc Toàn