Bình Dương: điểm sáng trong phát triển nhà ở xã hội
Hơn 20 năm đi ở trọ, anh Trần Duy Thanh chưa bao giờ nghĩ lại có thể mua được căn nhà cho riêng mình. Nhưng giờ đây, ước mơ đã trở thành sự thật. Ngày nhận được chìa khoá nhà từ chủ đầu tư là Tổng Công ty Becamex IDC, anh Thanh cho biết, cảm xúc như vỡ oà.
Không riêng anh Thanh, Dự án nhà ở xã hội Định Hòa - Thành phố Thủ Dầu Một đã tạo nơi an cư cho khoảng 7.000 lao động thu nhập thấp với giá chỉ từ 100 - 150 triệu đồng/căn hộ và được mua trả góp với lãi suất thấp. Đặc biệt, bên cạnh khu nhà ở xã hội, chủ đầu tư còn quan tâm xây dựng nhiều hạng mục tiện ích như trường học, khu công viên, sân bóng,...phục vụ nhu cầu sinh hoạt, văn hoá, giải trí cho người lao động.
Bằng quyết tâm và các giải pháp quyết liệt, thời gian qua, Bình Dương được đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, dân số tăng đến 5,8 triệu người, trong đó có 54% là người lao động đến nhập cư nên Bình Dương vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu nhà ở cho dân cư, nhất là NƠXH. Vì vậy, Bình Dương đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mục tiêu giai đoạn 2021-2030 sẽ phát triển 86.877 căn nhà ở xã hội so với dự báo nhu cầu 115.836 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển 46.377 căn và giai đoạn 2026-2030 là 40.500 căn.
Đề án xây dựng 86.877 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 là một chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp những người có thu nhập thấp cũng có nơi ăn chốn ở phù hợp. Tuy nhiên, do những khó khăn của thị trường bất động sản, nhà đầu tư thiếu “mặn mà” cùng quy định pháp luật, các thủ tục hành chính liên quan đến phát triển nhà ở xã hội còn bất cập khiến mục tiêu mà Đề án xây dựng nhà ở xã hội mà tỉnh Bình Dương đặt ra đang bị chậm tiến độ.
Từ khi có chương trình phát triển nhà ở xã hội, địa phương nào quan tâm thì công nhân lao động, người nghèo ở đó có điều kiện tiếp cận nhà ở và ngược lại. Thực tế tại Bình Dương càng khẳng định vai trò cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu. Chỉ khi chính quyền, doanh nghiệp cùng vào cuộc thì giấc mơ có một căn nhà để “an cư, lạc nghiệp” của các gia đình thu nhập thấp mới trở thành hiện thực. Đây thực sự là mô hình cần được nhân rộng ra các địa phương khác trong cả nước./.
Thực hiện: Minh Quyên – Ngọc Toàn