Bình Dương: Phát triển du lịch từ vườn cây ăn trái
Vài năm gần đây, du khách bắt đầu tìm đến sự mới lạ của vùng đất chuyên canh cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên. Nơi đây đang bắt đầu hình thành một số mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái khá thành công. Một số nhà vườn liên kết với nhau để tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch.
Trước đây mảnh đất hơn 10 ha này là vùng đồi dốc chỉ trồng tiêu và bưởi, nhưng hiện đã được cải tạo để khai thác du lịch nông thôn. Vườn quýt hồng của ông Lâm Thành Thương (ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) và trang trại Sol Reatreat hiện đã liên kết đưa khách tham quan, cùng với nhau tạo thành chuỗi tham quan, được nhiều du khách tìm đến.
Là một xã thuần nông, nằm ở phía Đông Nam của thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Bạch Đằng được biết đến là một vùng trồng bưởi lâu đời và có tiếng ở khu vực Đông Nam bộ. Bưởi Bạch Đằng có vị ngọt dịu đặc biệt mà không lẫn với hương vị của bất kỳ loại bưởi nào. Có lẽ chính bởi vậy mà Bạch Đằng trở thành điểm đến thú vị trong hành trình du lịch xanh của thị xã Tân Uyên và tỉnh Bình Dương.
Đến với Bạch Đằng hôm nay, du khách sẽ được hoà mình vào không gian xanh mướt, cuộc sống ôn hòa và bình dị của người dân địa phương. Đặc biệt, vườn bưởi và những sản phẩm từ cây bưởi là điểm nhấn thu hút lượng lớn du khách từ các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh đến thăm quan, trải nghiệm.
Từ 6 nghìn cây bưởi lúc ban đầu, đến nay cù lao Bạch Đằng đã mở rộng và phát triển lên đến hàng trăm nghìn cây bưởi trên tổng diện tích gần 400 ha. Trong đó, giống bưởi da xanh, bưởi đường lá cam cho năng suất và chất lượng cao, đang được thị trường ưa chuộng.
Thực tế, mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái… đang phát triển mạnh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương với sự tham gia tích cực của các HTX nông nghiệp. Mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái… được đầu tư, khai thác, quản lý thông qua các HTX phù hợp với năng lực của người dân nông thôn và có tính lan tỏa cao hơn. Đặc biệt, mỗi HTX ở các địa phương có thể xây dựng được các mô hình du lịch khác nhau, tạo được sự đa dạng nhưng vẫn giữ được điểm độc đáo của từng địa phương để thu hút được số lượng du khách ngày càng nhiều. Từ đó, các sản phẩm nông nghiệp và giá trị văn hóa của các vùng quê được lan tỏa rộng rãi.
Từ hiệu quả của các mô hình du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn trái trên địa bàn thị xã Tân Uyên và Bắc Tân Uyên, người trồng măng cụt, sầu riêng, quýt,... trên khắp các địa bàn huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo, thị xã Thuận An, với sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm cũng đã và đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang Vietgap, Global GAP, hữu cơ để tiến tới xây dựng điểm du lịch sinh thái an toàn, hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn là hướng đi mới, mang lại làn gió mới, sức sống mới cho người dân nông thôn trên khắp địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thực hiện: Minh Quyên - Ngọc Toàn