Nổi tiếng với hình tượng “Người phụ nữ với cây đèn”, Florence Nightingale là một y tá chăm sóc cho các thương binh của quân đội Anh trong chiến tranh Krưm – cuộc chiến mà lực lượng Anh, Pháp và Ottoman chiến đấu với Đế quốc Nga. Cứ khi đêm đến, bà lại xuất hiện với cây đèn leo lét trên tay, lặng lẽ đi tuần các trại bệnh một mình.
Không chỉ được nước Anh thời Victoria “tôn vinh”, mới đây, một triển lãm mới mang tên “Nightingale in 200 Objects, People & Places” còn cho thấy bà là người tiên phong nghiêm khắc với những nguyên tắc vệ sinh làm nền tảng cho ngành điều dưỡng ngày nay – nhất là khi thế giới đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Florence Nightingale thuộc Bệnh viện St. Thomas ở London, cho người xem thấy được sự giàu có của gia đình bà, kể câu chuyện về cách bà đấu tranh với sự phản đối của gia đình, với những định kiến xã hội, để trở thành y tá nổi tiếng nhất thế giới.
Trong cuộc chiến tranh Krưm, hàng ngàn binh sĩ Anh đã chết vì bệnh truyền nhiễm chứ không phải bởi các vết thương chiến trận. Chính bởi vậy, Florence Nightingale đã cố cải thiện tình trạng này bằng các biện pháp vệ sinh, trong đó có rửa tay sạch – một trong những nguyên tắc vệ sinh phòng chống bệnh truyền nhiễm còn được áp dụng đến tận ngày nay.
Hình ảnh cô y tá Florence Nightingale hàng đêm lại đi thăm bệnh nhân với chiếc đèn nhỏ đã mang tính biểu tượng. Bởi vậy, ai đến tham quan bảo tàng cũng muốn được chiêm ngưỡng cây đèn huyền thoại này.
Bên cạnh đó, khách tham quan còn có cơ hội ngửi mùi nước hoa và nghe bản ghi âm giọng nói của bà.
Vào cuối đời, bà Nightingale vẫn miệt mài với công việc y tá và viết lách. Bà qua đời năm 1910, thọ 90 tuổi.
Triển lãm “Nightingale in 200 Objects, People & Places” diễn ra trong một năm tại Bảo tàng Florence Nightingale thuộc Bệnh viện St. Thomas. Bệnh viện St. Thomas cũng là một trong số ít các bệnh viện ở Anh có khoa chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19./.
Mời quý vị xem các chương trình Click - Khám phá thế giới đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.