Video Tạp chí Y tế và Sức khỏe cộng đồng

Chế độ dinh dưỡng phù hợp với người cao tuổi mắc đa bệnh lý

Người cao tuổi là nhóm đối tượng cần được chăm sóc sức khỏe đặc biệt thường xuyên. Theo các chuyên gia y tế, người cao tuổi mắc đa bệnh lý cần chú ý duy trí một chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh để quá trình điều trị đạt hiệu quả.
17:47 - 26/08/2024

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG PHÙ HỢP VỚI NGƯỜI CAO TUỔI MẮC ĐA BỆNH LÝ

Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm tới 11,86% dân số. Đây là nhóm đối tượng cần được chăm sóc sức khỏe đặc biệt thường xuyên. Khi về già, cơ thể người cao tuổi có những sự thay đổi đáng kể, sức khỏe không còn sung mãn, chính vì vậy nhóm đối tượng này dễ mắc nhiều bệnh lý kết hợp. Theo các chuyên gia y tế, người cao tuổi mắc đa bệnh lý cần chú ý duy trí một chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh để quá trình điều trị đạt hiệu quả./.

Việc giảm khối cơ bắp và ít hoạt động hơn dẫn tới nhu cầu năng lượng của người cao tuổi thấp hơn người trẻ tới 30%, khả năng chuyển hóa năng lượng của người cao tuổi cũng giảm. Khả năng tiêu hóa, hấp thu chất đạm kém, nên người cao tuổi thường bị thừa hoặc thiếu chất đạm. Người cao tuổi có nguy cơ cao bị đái tháo đường do tuyến tụy giảm sản xuất insulin. Khả năng phân hủy chất béo ở người cao tuổi kém dẫn tới việc tăng mỡ máu, dễ mắc các bệnh về tim mạch, viêm tụy, đột quỵ, gan nhiễm mỡ… Đặc biệt, do nhai nuốt khó khăn cũng làm giảm hứng thú của người cao tuổi với bữa ăn, gây nguy cơ thiếu chất, suy dinh dưỡng… Với người cao tuổi, các cơ quan chức năng có sự thay đổi rất lớn, đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ mắc nhiều bệnh lý cùng lúc, gây khó khăn trong điều trị. 

Với người cao tuổi mắc đa bệnh lý, chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò lớn, quyết định hiệu quả điều trị. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khẩu phần ăn của bệnh nhân cao tuổi phải đủ nhu cầu và cân đối các chất dinh dưỡng gồm: Chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ; thức ăn cần được chế biến mềm, dễ ăn, dễ tiêu hóa; bệnh nhân không được bỏ qua bất kỳ bữa ăn nào trong ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân cao tuổi cần thường xuyên thăm khám bác sĩ để theo dõi diễn biến bệnh lý cũng như theo dõi cân nặng, vòng eo, tỷ lệ mỡ cơ thể; phải có kế hoạch về thực đơn, theo dõi, đánh giá bữa ăn theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. /.

Thực hiện: Diễm Hương, Sỹ Thành