Cơ chế thu hút nguồn lực cho giao thông vận tải khi sửa Luật Thủ đô
TS Chu Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách. Vì thế, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) mà Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đề xuất là điểm đột phá nhằm giải tỏa áp của lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ theo mối quan hệ “trục dọc, trục ngang”.
PGS. TS Bùi Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thương Mại kiến nghị, khi sửa luật thủ đô, cần bổ sung thêm qui định về phí và lệ phí và qui định này cần có sự đồng ý của các Bộ Tư Pháp, Tài chính, Bộ Nội vụ và các bộ khác có liên quan và phải xin ý kiến của của Hội đồng thẩm định cũng như đối tượng chịu tác động của các loại phí này. Đồng thời, đồng tình với phương án cho phép Hà Nội được giữ lại 100% khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội để đầu tư cho giao thông.
Cũng liên quan đến kinh phí, PGS. TS Nguyễn Thanh Chương, Trường Đại học Giao thông Vận tải kiến nghị, cần một hành lang pháp lý đặc thù và quĩ đặc biệt cho giao thông công cộng để tập trung nguồn lực tài chính từ xã hội vào quỹ này để đầu tư cho việc nghiên cứu chính sách giao thông, việc phát triển hệ thống công cộng và quĩ này hình thành một phần nhỏ từ thuế nhiên liệu, thuế ô tô, thuế tắc nghẽn giao thông, phí cấp phép vận tải siêu trường siêu trọng… Ngoài ra, thành phố cần bổ sung thêm cơ chế cho giao thông tĩnh như bãi đỗ xe, đường cho xe đạp, đường đi bộ, lối đi lối tiếp cận cho người khuyết tật cần cụ thể hóa ở trong luật.
Để thuận lợi cho việc quản lý, thu phí và khai thác, PGS. TS Hoàng Tùng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội kiến nghị giao các tuyến đường cao tốc, nằm trong địa giới của Hà Nội thì thuộc thẩm quyền của Hà Nội để tạo liên kết phát triển vùng thủ đô, nâng cao vai trò dẫn dắt của thủ đô Hà Nội.
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm xây dựng Luật Thủ đô mang tính đặc thù nhưng khi áp dụng vào thực tiễn phải khả thi giúp Hà Nội phát triển, thúc đẩy Vùng Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng cùng phát triển./.