Giữa không gian ồn ào, hối hả của thủ đô Hà Nội, nhiều người cảm thấy bất ngờ khi bắt gặp những chiếc cổng làng nhuốm màu thời gian. Không chỉ tạo nên hồn quê đất Việt mà qua dáng vẻ kiến trúc, cổng làng còn thể hiện chiều sâu văn hóa mỗi ngôi làng.
Mỗi cổng làng đều có nét riêng, biểu trưng cho sự uy nghi, nền nếp của mỗi làng quê. Những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đời sống cộng đồng của cổng làng là không thể thay thế.
Làng lên phố đã từ lâu, có nhiều cổng làng cũng đã bị mất đi nhưng cũng còn nhiều cổng trầm ngâm đứng đó như một chứng nhân lịch sử. Dấu quê trong lòng phố như nhắc nhở vùng đất nơi đó xưa kia vốn do nhiều làng tụ lại mà thành. Bỏ qua sự ồn ào, náo nhiệt, cổng làng trên phố vẫn níu giữ những nét cổ kính và hoài niệm. Đây thực sự là nét đẹp bình yên của mảnh đất kinh kỳ.
Ngày nay, khi cuộc sống đã thay đổi, kèm theo đó là quá trình đô thị hóa nhanh chóng, những chiếc cổng làng đã bị phá bỏ để thay vào đó là những con đường rải nhựa, những nhà cửa đua nhau mọc san sát.
Xưa kia, cổng làng được xây nên với mục đích bảo vệ dân làng khỏi kẻ trộm. Theo năm tháng, cổng làng đã vượt xa giá trị ban đầu - một vật bảo vệ cho làng. Cổng làng tuy không phải một di tích nhưng nó cũng chứng biết bao thăng trầm của lịch sử và phát triển, do đó, cũng cần được giữ gìn và bảo tồn như một di tích văn hóa quan trọng.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, giữa sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống, những cổng làng vẫn tồn tại và mang đậm bản sắc văn hoá Việt giữa lòng Thủ đô. Nhưng trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của làn sóng đô thị hóa, làm sao giữ gìn được những nét bản sắc tinh túy, đẹp đẽ trong đời sống văn hóa của mỗi làng quê nói chung, chiếc cổng làng nói riêng là nỗi trăn trở không của riêng ai.
Mời quý vị xem các Phóng sự VOV đã phát sóng tại đây./.