Hí kịch Tây Tạng là một loại hình nghệ thuật truyền thống, có tuổi đời hơn 600 năm. Cho tới ngày nay, hí kịch Tây Tạng vẫn có một sức sống mạnh mẽ. Tất cả là nhờ những đoàn hí kịch dân gian, do các ngôi làng tự thành lập để biểu diễn trong các dịp lễ hội truyền thống. Đây là đoàn hí kịch của một ngôi làng như vậy. Làng Giang, huyện Khúc Thủy, thành phố Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Trong công viên ở Lhasa, họ đang biểu diễn tích truyện về một người anh hùng dân gian. 20 diễn viên đều là người trong làng.
Truyền thống biểu diễn hí kịch được dân làng duy trì trong hơn 270 năm qua. Tới năm 2017, việc biểu diễn được tổ chức bài bản hơn. Họ lập thành hẳn một đoàn chuyên đi hát. Các thành viên có nhiều thời gian để theo đuổi sở thích của mình hơn cũng như truyền dạy đầy đủ hơn cho các thế hệ sau.
Trong nỗ lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống, những diễn viên cấp làng không hề đơn độc. Hí kịch Tây Tạng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể từ năm 2009. Số các đoàn hí kịch làng ngày càng tăng, từ vài trăm, giờ đã có vài nghìn, mỗi năm mỗi đội được trợ cấp 50.000 tệ, tương đương khoảng 7.000 đôla.
Với bất kỳ đội hí kịch nào, lễ hội Shoton – lễ hội bắt nguồn từ việc cúng dường sữa chua cho các nhà sư vừa kết thúc mùa an cư kiết hạ luôn là một trong những dịp quan trọng nhất. Bởi vậy mà lễ hội vốn bắt nguồn từ tôn giáo này còn có được gọi là “Lễ hội Hí kịch Tây Tạng”.
Trong suốt thời gian gian diễn ra lễ hội, người dân địa phương được gặp lại đủ mọi tích truyện truyền thống.
Được mệnh danh là “hóa thạch sống” của văn hóa Tây Tạng, hí kịch với những chiếc mặt nạ sống động, những điệu múa, những giọng hát mộc mạc, những trang phục sặc sỡ với hơn 600 năm lịch sử là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của người Tạng./.
Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.