Xuất ngũ được nhiều năm, nhưng đến năm 2005, do phát hiện triệu chứng bệnh và đi khám, ông Phùng Đình Phi, ở huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội mới phát hiện mình bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin. Lúc này ông được hướng dẫn và hỗ trợ làm đầy đủ thủ tục để hưởng trợ cấp cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học.
Còn đối với ông Hạ Huy Kiểm thì lại khác, đến tận năm 2021 ông mới phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam khi đi khám bệnh. Nhờ sự vào cuộc của các ban, ngành, hiện ông đã được nhận tiền trợ cấp hàng tháng dù chưa có thẻ chứng nhận nạn nhân nhiễm chất độc hóa học.
Những trường hợp như ông Phi, ông Kiểm là không hề hiếm. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng không hề biết. Ngoài ra, nhiều người cũng chưa nắm rõ được các quy định, chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tại xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nắm bắt được tình hình xã đã chủ động triển khai thống kê, làm thủ tục và thông tin đầy đủ tới các trường hợp trong diện trên địa bàn xã. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ địa phương về các qui định an sinh xã hội đối với người nhiễm chất độc da cam, cử cán bộ tới từng hộ dân để tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Không chỉ chú trọng tuyên truyền, các địa phương cũng tích cực vận động các tổ chức bảo trợ xã hội, các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình có người nhiễm chất độc da cam cải thiện kinh tế, vượt lên hoàn cảnh.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và những hành động thiết thực của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã phần nào vơi bớt khó khăn, đồng thời, là nguồn động viên quan trọng để họ vươn lên trong cuộc sống./.
Thực hiện: Quỳnh Trang – Chí Phương