ĐỂ VĂN HOÁ TRỞ THÀNH NGUỒN LỰC CỦA ĐẤT NƯỚC TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Ngày 24/11/1946, chỉ hơn 1 năm sau khi Việt Nam trở thành đất nước tự do, độc lập, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ. Đây chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa và thông tin. Người nêu nhiệm vụ của văn hoá là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Bước vào thời kỳ cả nước cùng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, với khẩu hiệu “Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá”, văn hoá Việt Nam đã thực sự trở thành nguồn động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến.
Năm 2021, tròn 75 năm sau Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, Đại hội 13 của Đảng đã phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo khi xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức ngày 24/11/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.
Thế giới đang biến đổi nhanh và mạnh, mang lại nhiều cơ hội, vận hội mới, nhưng cũng đặt ra không ít thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hoá của nước ta. Và để văn hoá trở thành nguồn động lực phát triển của đất nước, cần có sự thay đổi trong cách thức tiếp cận.
Sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hoá toàn quốc, các Bộ, ngành và địa phương đã có những chuyển động tích cực. Tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, Quốc hội Khoá 15 đã dành nhiều thời gian để xem xét, thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Chương trình là minh chứng rõ nét nhất, thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng văn hoá trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.
Thực tế đã cho thấy, trong bất kỳ giai đoạn nào, văn hoá luôn là nguồn lực mềm, nguồn lực nội sinh mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước. Và trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với một thế giới đầy năng động như hiện nay, văn hoá lại càng quan trọng hơn. Xây dựng được một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tạo nên nên một sức mạnh to lớn để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, đưa đất nước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới./.
Thực hiện: Huy Vinh - Chí Phương