Video Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên mới

Để đạt được mục tiêu “đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” thì phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quyết định
17:26 - 17/12/2024

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRONG KỶ NGUYÊN MỚI

Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, phát triển nguồn nhân lực nói riêng càng có ý nghĩa then chốt, quyết định nhất. Bởi lẽ, để dân tộc Việt Nam có thể vươn mình, “tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình” và gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phát triển tiên tiến, hoàn toàn phụ thuộc vào việc các thế hệ người Việt Nam trong tương lai có đủ năng lực và phẩm chất để đưa đất nước ta vượt qua được tình trạng tụt hậu về trình độ phát triển hay không. Đây chính là điều đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/9/1945: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Và trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra một trong những giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình là tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất.

Việc đội ngũ lao động phổ thông chiếm phần đông về số lượng là một tất yếu, và là một xu hướng cần được hỗ trợ bởi chính sách dân số - dân cư, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số toàn cầu. Tuy nhiên, điểm then chốt là trong kỷ nguyên mới, hệ thống giáo dục và đào tạo nước ta phải tạo điều kiện để đội ngũ này sớm chuyển hóa và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với nguồn nhân lực đang phát triển từng ngày như hiện nay, việc tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không phải vấn đề quá khó với Việt Nam, tuy nhiên, để có thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng đồng bộ, lâu dài, thì vấn đề cơ chế chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, lực lượng lao động trí thức, nghiên cứu khoa học cũng cần phải được quan tâm, đầu tư hơn nữa để những công trình nghiên cứu được ghi nhận một cách xứng đáng.

Đảng ta đã xác định “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Để thực hiện mục tiêu trên, cần tập trung huy động các nguồn lực khác nhau như vốn, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ, khai thác các nguồn tài nguyên… Do đó, điều quan trọng nhất là phải có nhân lực thực hiện, hay nói cách khác, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến là yếu tố quan trọng hàng đầu để thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay./.

Thực hiện: Vân Anh - Anh Dũng - Ngọc Toàn