Đề xuất xe máy phải lắp camera hành trình nhận về nhiều phản ứng
Cả nước hiện có trên 73 triệu xe máy. Với giá một chiếc camera hành trình hiện nay dao động khoảng 3,5 triệu đồng/chiếc, thì ước tính cần gần 255.500 tỷ đồng để lắp đặt cho số xe máy này. Đây là số tiền quá lớn, chưa kể phí sử dụng hàng năm và lưu trữ dữ liệu. Trong khi đó, xe máy là công cụ mưu sinh của rất nhiều người nông dân, lao động tự do, sinh viên,… Trong nhiều trường hợp, giá camera hành trình còn cao hơn cả giá chiếc xe máy.
Trên thực tế, camera hành trình trở nên hữu ích đối với ô tô kinh doanh vận tải, nhất là trong trường hợp xảy ra va chạm, tai nạn. Nhưng, đó là với những đơn vị vận tải lớn, còn đối với xe máy chỉ đơn thuần là phương tiện đi lại của cá nhân. Các chuyên gia đánh giá đề xuất này không khả thi, tốn kém rất nhiều kinh phí mà chwua chắc đã mang lại hiệu quả.
Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có nội dung quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm hành trình theo quy định. Đa số các đại biểu cho rằng chỉ nên quy định bắt buộc lắp camera hành trình với xe ô tô kinh doanh vận tải, còn với xe máy thì không nên bắt buộc. Bởi, với số lượng xe máy rất lớn, nếu quy định theo hướng bắt buộc cũng sẽ rất khó kiểm soát trong thực tế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, kinh tế và đời sống người dân còn khó khăn, thêm một khoản chi phí cũng là thêm một nỗi lo. Chính vì vậy, để đưa vào áp dụng ở Việt Nam, các đơn vị nên làm rõ thêm mục đích, hiệu quả mà quy định này đem lại trong đảm bảo an toàn giao thông một cách bài bản. Sau đó, cần có đánh giá tác động đầy đủ, đa chiều để người dân nhìn nhận ở nhiều góc độ và đưa ra ý kiến./.
Thực hiện: Thu Hương – Chí Phương