Dệt tình yêu văn hóa dân tộc từ nghề truyền thống
Thôn Tà Là Cáo nằm ở trung tâm xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Người H’Mông hoa đến đây lập nghiệp và sinh sống từ xa xưa, họ chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp như trồng ngô, trồng lúa ở ruộng bậc thang và trên nương rẫy…Những người phụ nữ H’Mông hoa ở Tà Là Cáo cần cù, chăm chỉ. Họ có kỹ năng thêu các hoa văn độc đáo và vẽ sáp ong để tạo nên những bộ trang phục truyền thống.
Để dệt một bộ trang phục truyền thống của người H’Mông từ vải lanh có khi mất cả năm trời vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ trồng lanh, xe sợi, in sáp, nhuộm chàm đến khâu vá, thêu thùa… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ H’Mông.
Hàng năm, cứ độ tháng 3, tháng 4, người H’Mông ở Tủa Chùa bắt đầu gieo trồng cây lanh. Đến tháng 7, tháng 8, thu hoạch xong, họ đem cây lanh ra phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm, sau đó nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt. Tiếp đó, đem luộc đến khi sợi lanh mềm và trắng lại mang ra phơi nắng cho khô. Kế đó, họ dùng guồng chia sợi lanh trước khi mắc vào khung cửi để dệt.
Bộ trang phục nữ truyền thống gồm có áo, váy và thắt lưng. Chiếc váy truyền thống của họ được ghép từ 3 phần chính: Phần trên cùng là vải lanh vẽ sáp ong, nhuộm chàm. Vải vẽ sáp ong của người H’Mông ở đây khá đặc biệt, họ vẽ trên nền vải màu xanh, sau đó nhuộm chàm đậm.
Sau khi hoàn thiện hoa văn sẽ có màu xanh nhạt hơn trên nền chàm, tuy không tương phản mạnh nhưng rất tinh tế. Nếu không vẽ sáp ong thì họ dùng vải lanh trơn nhuộm chàm và chà sáp ong lên bề mặt vải cho mềm và bóng. Phần giữa váy được thêu trang trí kết hợp giữa phương pháp thêu dấu nhân và thêu ghép vải. Họ thêu theo từng khuông khoảng 6-8 ô, xen kẽ các hoa văn ghép vải như hình tam giác, hình thoi…Phần sát gấu váy là vải chàm trơn, làm nổi bật hai mảng trang trí phía trên. Để may một chiếc váy truyền thống cần có 5 mét vải vẽ sáp ong, 5 mét vải thêu và 5 mét vải sẫm màu./.
Thực hiện: Hải Hà - Hoàng Thuyên