Điều trị các bệnh hiểm nghèo bằng phương pháp lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn
Hiểu được tầm quan trọng của việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn, cách đây 3 năm, khi sinh con, chị Nguyễn Thị Thu Hà đã quyết định lưu trữ máu cuống rốn cho con để phòng ngừa và gia tăng cơ hội điều trị nếu khởi phát bệnh trong tương lai.
Máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hoặc máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi. Máu cuống rốn cung cấp dưỡng chất cho bào thai đang phát triển trong tử cung của người mẹ. Đây cũng là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé.
Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa nguồn dồi dào tế bào gốc tạo máu, có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi. Vì vậy, máu cuống rốn có thể được ứng dụng điều trị cho bệnh nhân ung thư máu như ung thư bạch cầu, u lympho hoặc một số rối loạn về máu và hệ thống miễn dịch khác như bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng Wiskott-Aldrich…
Bên cạnh đó, tế bào gốc máu cuống rốn còn được nghiên cứu để điều trị các bệnh lý như tổn thương não, tim mạch và tổn thương tủy sống.
Máu cuống rốn có thể lưu trữ lâu dài, là nguồn tế bào gốc quý giá để sử dụng điều trị cho chính người có cuống rốn ấy hoặc người thân trong gia đình và cho cả cộng đồng, xã hội./.
Thực hiện: Hồng Thuý – Lê Thanh