Ðiều tuyệt vời từ những sáng tạo mỹ thuật
Phong Vân là một xã thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nơi đây gần với ngã ba giáp ranh giữa sông Đà và sông Hồng, có cảnh sắc thơ mộng và bình yên. Từ xa xưa, nơi đây được xem là vùng đất “địa linh nhân kiệt” sinh ra nhiều người làm quan, có công với quê hương, đất nước và đặc biệt là nơi có nhiều người tài danh. Một trong số đó là hoạ sĩ Lê Vinh.
Hoạ sĩ Lê Vinh sinh năm 1979. Anh tốt nghiệp khoa Sư phạm mỹ thuật, trường Cao đẳng Nhạc hoạ Trung ương (Nay là trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương). Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo, từ nhỏ anh đã có ý chí quyết tâm theo đuổi niềm đam mê với hội hoạ. Và trong những khó khăn của cuộc sống đã tạo nên một chàng hoạ sĩ đầy nghị lực và tài ba.
Con đường đi đến thành công không trải hoa hồng, mà đầy khó khăn, thử thách. Với hoạ sĩ Lê Vinh cũng vậy, lựa chọn bút bi làm chất liệu sáng tác là anh đã lựa chọn cho mình một lối đi đầy gập ghềnh, chông gai. Ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm khi của chất liệu này đó chính là tính chất của bút bi là nét nhỏ, có thể giải quyết được những bài toán về những chi tiết nhỏ nhất, tạo nên sự sắc nét, chân thực cho tác phẩm. Nhưng cũng là khó khăn, vì với tranh khổ lớn thì việc vẽ bằng bút bi tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nếu vẽ sai hoặc bị nhoè mực thì rất khó sửa, khó tẩy xoá, thậm chí là phải vẽ lại từ đầu. Bên cạnh đó, bút bi là loại bút ít màu sắc nên việc tạo nên một bức tranh đa sắc màu bằng bút bi cũng là một thử thách đối với người hoạ sĩ. Mặc dù vậy sau nhiều năm “lăn lộn” cùng chiếc bút bi, giờ đây anh đã chinh phục được những khó khăn ấy, đồng thời, tìm ra cách vẽ và các giải pháp để sử dụng bút bi một cách hiệu quả nhất.
Tranh của hoạ sĩ Lê Vinh có rất nhiều đề tài nhưng anh có niềm đam mê đặc biệt với bà con dân tộc thiểu số. Anh bị ấn tượng bởi ánh mắt trong trẻo của những cô sơn nữ, bởi nụ cười của những em nhỏ nơi vùng cao và đặc biệt là những bộ trang phục dân tộc đầy màu sắc. Và mỗi một tác phẩm là cách anh “kể chuyện” bằng những nét vẽ bút bi, về những nơi anh đã đến, những người anh đã gặp thật dung dị, tự nhiên, mộc mạc nhưng không kém phần hài hoà, tinh tế, và như bản khiêu vũ của sắc màu.
Trong quá trình chinh phục bản thân qua những tác phẩm hội hoạ, bên trong hoạ sĩ Lê Vinh đôi khi cũng có những giằng xé, mâu thuẫn của nội tâm. Đã có những khi anh hạnh phúc bởi sự hứng khởi trong những nét vẽ đầu tiên, nhưng cũng có lúc anh chợt thấy hoang mang, thấy chênh bênh bởi chính những nét bút đầu tiên ấy. Bởi anh là một người cầu toàn, anh sợ rằng trước một câu chuyện, một đề tài mình đã đặt ra, mình có chuyển tải được những hiệu ứng của phương pháp vẽ hay những thông điệp một cách có thần thái, có giá trị đến với công chúng hay không. Nhưng rồi dường như càng vẽ anh càng “say”, càng vẽ anh càng cảm thấy như có một động lực vô hình, một ngọn lửa đam mê cháy bỏng thôi thúc anh trong từng nét vẽ, để mỗi quá trình hình thành nên thần thái hay tạo hình của nhân vật, anh như “ngộ” ra những điều kỳ diệu mà chính từ những nét bút của mình mang lại.
Thực hiện: Kim Anh - Hoàng Thuyên - Thuỳ Linh