Video Tin trong nước

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp

Sáng 29/11, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Sau đó, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
19:37 - 29/11/2024

ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI, HĐND CÁC CẤP       

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành, đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp…

Tán thành với phương án xác định bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là mục tiêu hướng đến của hoạt động giám sát. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, cần tạo thuận lợi cho việc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Nhấn mạnh HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra chịu trách nhiệm trước dân và cơ quan nhà nước cấp trên. Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền giám sát các cơ quan trung ương tại địa phương cho HĐND cùng cấp.

Về tiêu chí lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát, một số đại biểu cho rằng, nên bổ sung những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm mà thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo các đại biểu, phải bám sát các vấn đề nóng, yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống của các địa phương.

Góp ý về nguyên tắc hoạt động giám sát, đại biểu Vũ Thị Liên Hương, đoàn Quảng Ngãi cho rằng, cần bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát.

Để đảm bảo tính thời sự, đồng bộ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội, đại biểu Hà Phước Thắng, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giữ nguyên như trong quy định hiện hành.

Giải trình làm rõ những băn khoăn các đại biểu nêu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề chung, vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc thẩm quyền của Quốc hội để bảo đảm tính ổn định của dự án luật. Những vấn đề biến động thường xuyên, chưa ổn định thì giao các cơ quan chức năng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi luật, bắt kịp xu hướng mới, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động giám sát./.

hực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng