Video Phóng sự VOV

Đưa Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều vào cuộc sống

Theo thống kê, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP; ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
18:44 - 09/11/2022

Trong bối cảnh đó, vào kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Dự án Luật được xã hội quan tâm và nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, thống nhất thông qua. Từ ngày 1.7.2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều chính thức có hiệu lực thi hành. Luật khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác PCTT; huy động nguồn lực cho PCTT nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Một số điều của Luật PCTT được sửa đổi, bao gồm: loại hình thiên tai; công trình PCTT; nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị PCTT; ngân sách nhà nước cho PCTT; Quỹ PCTT Trung ương. Bên cạnh đó bổ sung 2 điều mới gồm: điều tra cơ bản, khoa học và công nghệ PCTT.

Ngoài ra, Luật nêu rõ nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu PCTT; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Luật bổ sung quy định bảo đảm yêu cầu PCTT trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình tại Điều 18a và sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm yêu cầu PCTT trong giai đoạn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn; công trình PCTT, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật tại Điều 19 (khoản 11 và khoản 12).

Hiện nay các địa phương đã xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã bao gồm dân quân tự vệ và các tổ chức khác như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại chỗ. Việc quy định mới lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai được bổ sung vào trong luật đã nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tai các địa phương. Theo đó, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai; Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền; Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền; Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền; Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Mời quý vị xem các Phóng sự VOV đã phát sóng tại đây./.