Gia tăng vấn nạn “xe dù, bến cóc” dịp cuối năm
Tuyến đường Phạm Hùng gần bến xe Mỹ Đình – nơi hàng loạt xe vận tải hành khách dừng đỗ sai quy định hoặc chạy “rùa bò” ngang nhiên bắt khách. Người dân thì chỉ cần tiện là có thể lên xe bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Việc này đã tạo thuận lợi cho các nhà xe vi phạm. Vì vậy, một “bến cóc” đã ngang nhiên được hình thành giữa một tuyến đường trọng yếu ra vào của thủ đô.
Trước thực trạng này, thời gian qua lực lượng chức năng cũng đã tăng cường tuần tra kiểm soát, đặc biệt đang trong đợt cao điểm tổng kiểm soát xe kinh doanh vận tải. Thế nhưng, cứ khi vắng bóng CSGT tình trạng này lại tái diễn và khi bị phát hiện mức xử phạt hành chính cũng chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng.
Vấn nạn xe dù bến cóc lộng hành lâu nay đã phá vỡ luồng tuyến vận tải hành khách cố định, đồng thời còn ảnh hưởng đến công tác quy hoạch các bến xe chất lượng cao trên địa bàn TP Hà Nội. Và theo một xu thế tất yếu các bến xe tiếp tục rơi vào cạnh điu hìu, vắng khách. Khiến tình trạng “xe dù, bến cóc” càng thêm bùng phát.
Hiện nay theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe giảm từ 18-30%. Trong đó, xe tuyến cố định hiện chỉ có 18.344 xe nhưng xe hợp đồng là 222.783 xe, gấp 12 lần so với xe cố định. Rõ ràng khi tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì buộc họ phải chuyển sang phương thức khác. Còn một số doanh nghiệp cũng có ý định bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.
Từ ngày 1/8 đến 15/10/2023, Bộ Công an mở cao điểm kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải. Dù đã đạt được một số hiệu quả, nhưng rõ ràng cũng cần có các biện pháp cương quyết, cụ thể hơn đối với trường hợp cố tình vi phạm đặc biệt xe vận tải chở khách. Ngoài ra, về lâu dài, Hà Nội cần đầu tư và bố trí sắp xếp hợp lý, khoa học các bến xe khách liên tỉnh cũng như mạng lưới luồng tuyến vận tải, đảm bảo thuận tiện cho người dân tiếp cận.
Thực hiện: Thu Hương - Trọng Khánh