Gìn giữ tinh hoa nghề dệt the lụa La Khê
Ngày nay đến làng La Khê, cất công đi tìm, lắng tai nghe mới thấy tiếng dệt cửi từ xưởng dệt của nghệ nhân Lê Đăng Toản. Đây có lẽ cũng là xưởng dệt duy nhất còn sót lại ở La Khê.
Cố gắng từng ngày cặm cụi bên khung dệt, bám trụ lại với nghề để cho ra đời những sản phẩm thủ công cao cấp bởi với anh Toản, lụa La Khê mang những nét riêng vốn có. Trong đó, bộ go võng tạo nên công nghệ dệt có sợi dọc, mỗi hàng ngang lại được đan vặn xoắn giúp lụa thoáng mát nhưng rất chặt mặt, không bị xô rạn. Nghề dệt the cũng rất công phu, đòi hỏi người thợ dệt phải tỉ mỉ và kiên trì. Vẽ hoa để dệt được coi là công đoạn khó nhất của nghề bởi người vẽ phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối, lúc dệt nên tấm the không bị xô, dạt. Vì vậy mỗi mẫu phải mất vài tháng đến cả nửa năm mới xong. Giấc mơ hồi sinh làng nghề La Khê cũng như đưa sản phẩm đến với mọi người của anh Toản gặp không ít khó khăn. Không chỉ về vốn và thị trường tiêu thụ mà còn thiếu cả người làm nghề. Đặc biệt, sản phẩm the lụa lại là mặt hàng kén người sử dụng, không thể cạnh tranh với các sản phẩm từ sợi tổng hợp may công nghiệp bởi giá thành nguyên liệu cao, lại dệt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Để lụa La Khê phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, nhiều xưởng may cũng tạo nên những thiết kế tinh tế, ấn tượng với những họa tiết thêu tay thủ công và tỉ mỉ.
Bài toán duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề dệt the lụa La Khê vẫn đang đi tìm lời giải. Việc vực dậy làng nghề La Khê cần phải có sự đồng hành, chung tay của cả cộng đồng từ chính quyền, các tổ chức, cá nhân.
Để nghề dệt the lụa La Khê còn được lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau sẽ cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương và hơn cả là những người nghệ nhân yêu và bám trụ với nghề.
Thực hiện: Hồng Thúy - Vũ Vy - Trọng Đại