Hà Nội: Nâng cao văn hóa ứng xử nơi chợ truyền thống
Các tiểu thương ở chợ Thái Hà, quận Đống Đa, TP. Hà Nội cho biết, từ khi thực hiện mô hình chợ “Văn minh – An toàn – Hiệu quả” không gian chợ đã có nhiều chuyển biến. Khu vực chợ sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát hơn, đặc biệt, thay đổi lớn nhất ở các tiểu thương chính là thái độ giao tiếp, ứng xử với khách hàng.
Điều đặc biệt khi thực hiện mô hình chợ “Văn minh – An toàn – Hiệu quả” thì người mua hàng chính là người được hưởng lợi nhiều nhất như được người bán hàng chăm sóc chu đáo, nhiệt tình, niềm nở, giá bán được niêm yết công khai, chất lượng hàng hóa được đảm bảo, rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ có người mua hàng, mà người bán cũng có được nhiều lợi ích từ việc thực hiện mô hình chợ “Văn minh – An toàn – Hiệu quả”. Khi áp dụng mô hình này, các cơ quan chức năng tuyệt đối cấm hàng rong phía ngoài chợ để đảm bảo văn minh đô thị, đường thông, hè thoáng, nhờ đó thu nhập của các hộ tiểu thương cũng tăng thêm.
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa, TP. Hà Nội, đơn vị nòng cốt để triển khai mô hình này cho biết, trước khi thực hiện mô hình, các tiểu thương đều được tập huấn về văn hóa ứng xử giao tiếp. Để thực hiện mô hình, chợ phải đảm bảo các tiêu chí như đầy đủ giấy phép kinh doanh, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống chợ phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy hiện đại, đảm bảo 4 tại chỗ. Khu chợ phải đảm bảo an ninh trật tự, không gian chợ sắp xếp thông thoáng, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường, hàng hóa có xuất xứ rõ ràng. Phòng văn hóa quận có nhiệm vụ tập huấn cho các tiểu thương về văn hóa ứng xử với khách hàng theo tiêu chí văn minh lịch thiệp. Các hộ kinh doanh phải có bộ nhận diện thương hiệu, hàng hóa phải niêm yết giá. Ngoài ra, các tiểu thương phải ký cam kết thực hiện nghiêm mô hình với Ban quản lý.
Thực hiện: Cao Thắng