Hiện đại và truyền thống tạo điểm nhấn cho nhà vườn
Ngôi nhà vườn nằm giữa làng quê yên bình, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Không gian này được xây dựng cách đây 23 năm. Dù đã trải qua thời gian dài, nhưng tổng thể ngôi nhà vẫn rất hài hòa, hiện đại. Đi sâu vào từng chi tiết sẽ thấy nhiều nét tính cách, cảm xúc và câu chuyện riêng của gia chủ.
Câu chuyện ký ức tuổi thơ của anh Nguyễn Văn Dũng in đậm nét trong ngôi nhà này. Từ những ấn tượng thời thơ bé, anh đã quyết định chọn kiến trúc Đông Dương làm phong cách chính cho ngôi nhà của mình. Không phải kiến trúc sư, nhưng từng chi tiết, đường nét thiết kế, đến những viên gạch, viên ngói của ngôi nhà đều ghi dấu ấn đôi bàn tay của anh Dũng. Tất cả đáp ứng đầy đủ những công năng cần thiết của một chốn tĩnh dưỡng. Nhận mình chỉ thiết kế các phòng theo cảm tính, phù hợp với nhu cầu sử dụng là đủ và gọn, không chú ý nhiều đến đúng sai. Nhưng các phòng và không gian ở đây, theo đánh giá của kiến trúc sư đều mang một tỉ lệ hài hòa, cân đối của một người có tư duy về xây dựng tạo nên. Những vật liệu hình thành ngôi nhà này, cũng đều là vật liệu địa phương bởi chúng dễ bảo dưỡng, đồng thời tạo nên sự thân thuộc, gần gũi. Những vật liệu do bàn tay lành nghề của người thợ ở các làng quê làm nên không thua kém bất cứ đồ nhập khẩu nào, thêm nữa trong đó lại chứa đựng sự tài hoa, đặc sắc riêng của Việt Nam.
Trong ngôi nhà này, điểm nhấn yêu thích của gia chủ chính là hành lang. Hành lang chạy dọc ngôi nhà, kết nối giữa các phòng đã tạo nhiều cảm xúc cho những vị khách đến đây. Đó không chỉ là bước đệm chuyển tiếp giữa không gian bên ngoài với không gian bên trong, mà hành lang còn được gia chủ tạo thành nét văn hóa thú vị. Hành lang tràn ngập ánh sáng tự nhiên là nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật. Nổi bật nhất là tranh của nhiều họa sĩ tên tuổi như họa sĩ Trọng Hợp, đến những bức tranh thể hiện cuộc sống, vùng đất Hà Nội, nơi chủ nhà sinh ra và có nhiều gắn bó, tiếp đến những bức tranh miêu tả cuộc sống xưa của vùng quê Bắc Bộ. Bên cạnh đó là những tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ được mang về từ châu Phi sau những chuyến đến những miền đất khác nhau trên thế giới của gia chủ. Không gian này giống như viện bảo tàng thu nhỏ, nơi người ta có thể tìm hiểu về mỹ thuật, hay chiêm nghiệm cuộc sống đã qua, hoặc tiếp cận với những nét nghệ thuật tài hoa của các cộng đồng văn hóa khác.
Ngôi nhà nằm giữa vùng quê nhãn Hưng Yên, nơi nổi tiếng với dòng nhãn tiến vua. Vì thế, trong thiết kế nhà vườn, gia chủ rất chú trọng đưa vào trồng các loại cây cổ thụ, đều là những giống cây gắn bó mật thiết với vùng nông thôn như nhãn, thị, ổi, khế… Theo gia chủ, những tán cây cổ thụ này mang đúng tinh thần nghỉ dưỡng cho không gian của ngôi nhà, đồng thời cũng giúp những người sống ở đây được trở về với giây phút tĩnh lặng để chiêm nghiệm và suy ngẫm nhiều điều trong cuộc sống. Tại đây tách biệt hẳn với những âm thanh ồn ào, xô bồ của phố xá khiến mọi người chộn rộn với những lo lắng mưu sinh, chỉ còn không khí trong trẻo hòa quyện với thanh âm của thiên nhiên, khiến cho tâm hồn chẳng cần tác động gì nhiều cũng bỗng nhiên thấy bình an, tĩnh tại. Bên cạnh cây cổ thụ, trong khu vườn này còn nhiều những loại cây, hoa khác, trong đó có loại có vài chục năm tuổi. Mỗi ngày, khu vườn này đều được bàn tay của những người sống ở đây tỉa tót tỉ mỉ thể hiện sự chăm chút và tình yêu của chủ nhà đối với không gian sống của mình.
Giữa khu vườn là nơi đặt quầy bar hiện đại. Nhưng không hề phá vỡ đi sự bình yên mà có sự kết hợp hài hòa cho một góc thư giãn của gia đình. Quầy bar được lợp mái lá, yếu tố truyền thống này vẫn toát lên vẻ sang trọng với thiết kế như chiếc nón nghiêng. Góc nào trong toàn bộ không gian này cũng đều là nơi có thể thảnh thơi hòa mình cùng ánh sáng và thiên nhiên.
Bên cạnh kiến trúc hiện đại là không gian đồng bằng Bắc Bộ đậm chất làng quê. 23 năm trước, khi sở hữu mảnh đất này, chủ nhà không quên giữ lại một góc với sự nguyên vẹn lối sống đặc trưng của người dân nơi đây một thời. Những ngôi nhà cấp bốn một tầng được xây từ thời xa xưa, nơi sinh sống của những người quanh năm gắn bó với nông nghiệp khác biệt hoàn toàn với không gian Đông Dương. Gần đó là căn bếp lợp lá xưa cũ. Những đồ vật của hàng chục năm trước mà nay phần lớn các gia đình đều bỏ vẫn được giữ gìn cẩn thận ở đây. Nếp sinh hoạt đun nấu đặc trưng của các bà, các mẹ xưa vẫn được duy trì.
Hai không gian tuy khác biệt nhưng tạo một dòng chảy của thời gian từ quá khứ đến hiện đại. Vì vậy, khi chuyển từ không gian này đến không gian kia không thấy sự bỡ ngỡ mà ngược lại tạo cảm giác gần gũi, hài hòa và thú vị, lưu giữ những giá trị đang mai một của làng quê Bắc Bộ. Hai không gian ấy tạo nên gam màu đặc trưng mang cảm xúc và câu chuyện riêng của gia chủ./.
Thực hiện: Huyền Trang - Trọng Đại