HÒA BÌNH: XÂY DỰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DU LỊCH PHÁT TRIỂN
Là tỉnh miền núi có lợi thế về điều kiện khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là có hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, tỉnh Hòa Bình đã và đang tích cực đầu tư khai thác, đánh thức những tiềm năng du lịch sẵn có. Và để phát huy tối đã thế mạnh đó, tỉnh Hoà Bình đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kĩ thuật các khu, điểm du lịch để du lịch Hoà Bình thực sự “cất cánh”, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nói về tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong Lễ khởi công xây dựng công trình đường bộ cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông; nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần mở ra không gian phát triển mới, đưa Tây Bắc bước sang thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ hơn.
Để tạo đột phá về hạ tầng đảm bảo yêu cầu cho phát triển đặc biệt là phát triển du lịch, tỉnh Hoà Bình xác định huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là nhiệm vụ then chốt, quan trọng. Theo đó, nhiều công trình, dự án đã được bố trí ngân sách và lồng ghép nguồn vốn đầu tư như Nâng cấp đường lên cảng Ba cấp dài 2,5 km, tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Hoàn thành dự án nâng cấp đường tỉnh 435 đi qua phường Thái Bình (TP Hòa Bình) và các xã Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong), Suối Hoa (Tân Lạc) tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng nhằm từng bước hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng cảng vận tải và các dự án tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc tập trung thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật để phát triển khu du lịch Hồ Hoà Bình hoàn thành đủ 5 tiêu chí để trở thành Khu du lịch Quốc gia với 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa và du lịch với tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư khoảng 3.304 tỷ đồng, tỉnh cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Hòa Bình tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, lập dự án phát triển du lịch, giúp đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh như phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao...
Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch sẽ giúp tỉnh khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng phát triển du lịch, thu hút thêm nhiều lượt du khách đến với tỉnh, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển KT-XH và bảo đảm AN-QP của tỉnh./.