Trong 2 tháng gần đây, cậu bé 15 tuổi Dimas Anwar Putra và một người bạn của mình đã đi nhặt rác thải nhựa trong khu phố mình sinh sống ở thủ đô Jakarta để đổi lấy quyền truy cập wifi.
Không thể kết nối internet tại nhà, họ cần phải thu gom 1kg rác thải nhựa, chủ yếu mang đi bán, để đổi lấy quyền truy cập internet khi tham gia các lớp học trực tuyến trong khoảng 3 giờ đồng hồ hoặc 3 lần mỗi tuần.
Rác thải nhựa sẽ được đem đến “trạm phát wifi” do Iing Solihin sáng tạo ra. Tại đây, anh bán rác thải nhựa do các học sinh, sinh viên mang đến để mua gói dữ liệu internet trị giá 22 USD mỗi tháng và cung cấp miễn phí cho họ.
Hàng triệu học sinh Indonesia đã buộc phải học từ xa kể từ khi nhiều trường học phải đóng cửa từ tháng 3 do đại dịch Covid-19. Điều này đã mang lại nhiều thách thức, đặc biệt đối với các hộ gia đình nghèo và những người sống ở vùng sâu vùng xa.
Tại huyện đồi núi gần Bogor, hàng tuần, các tình nguyện viên đã mang theo một máy phát internet di động đến ngôi làng xa xôi ở khu vực này, để các học sinh có thể sử dụng mạng cho việc học trực tuyến. Các tình nguyện viên cũng hỗ trợ máy tính xách tay và điện thoại di động.
Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ internet của Indonesia, hiện chỉ có khoảng 1/6 trong tổng số khoảng 60 triệu hộ gia đình có kết nối internet vào giữa năm 2019./.
Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.