Lội trong làn nước trong xanh trên đảo Lembongan ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam của đảo Bali, Indonesia, ông I Gede Darma Putra đang lượm tảo, phân loại rồi sẽ sấy khô để mang bán.
Trước kia, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, ông Darma làm một công việc hoàn toàn khác. Đó hướng dẫn viên lặn biển, cung cấp những bài học lặn cho các du khách cũng tại địa điểm rất gần trang trại trồng tảo biển này.
Cũng như nhiều người dân địa phương trên hòn đảo nằm ngoài khơi Bali, Indonesia, ông Darma không có lựa chọn nào khác sau khi Bali vắng bóng khách du lịch vì đại dịch.
Indonesia là nước sản xuất tảo biển lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Mặc dù vậy, tảo ở Bali chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sản lượng trong nước. Tuy nhiên, nghề trồng và chế biến tảo biển ở đây lại có từ rất lâu trên đảo này. Theo Mạng lưới tài nguyên thiên nhiên Indonesia, ngành trồng tảo biển ở đảo Lembongan có từ năm 1978. Loài thực vật biển này được sấy khô, chế biến và xuất khẩu để sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ thực phẩm tới mỹ phẩm. Tuy nhiên, ngành trồng tảo ở đây đã từ từ biến mất vào năm 2010 với sự bùng nổ của du lịch.
Với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng nhiều hoạt động vui chơi, thư giãn trên biển, Bali thu hút hàng triệu du khách nước ngoài mỗi tháng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến một trong những điểm đến nổi tiếng nhất thế giới này trở nên im ắng. Cục Du lịch Bali cho biết, tới tháng 9 không có du khách quốc tế nào tới đây so với trung bình gần 20.700 du khách mỗi ngày cùng kỳ năm ngoái.
Hầu hết các quán bar, nhà hàng đều đóng cửa và những con phố vắng vẻ giờ được nông dân rải đầy tảo biển để phơi nắng.
Rất nhiều người dân đảo Lembogan mong chờ du lịch mở cửa lại. Họ nói trồng tảo biển vất vả hơn làm du lịch mà lợi nhuận thì ít hơn. Với giá chưa đầy 1 đô la Mỹ một cân tảo biển ở đây, một tháng người dân có thể thu nhập từ khoảng 300-400 đô la Mỹ. Thế nhưng, dù sao đây vẫn là kế sinh nhai giúp họ duy trì cuộc sống khi đại dịch ập đến.
Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.