Video Muôn màu cuộc sống

Khơi dòng chảy nghệ thuật vào đời sống đô thị

Hà Nội - một trung tâm đô thị nhộn nhịp. Giữa những con phố hối hả người và xe, có những không gian nghệ thuật là một khoảng lặng, níu con người với “nơi chốn” ở đây.
16:55 - 01/07/2024

Khơi dòng chảy nghệ thuật vào đời sống đô thị

Đi qua con phố Trần Nhật Duật lúc thành phố đã lên đèn, người ta không khỏi ngạc nhiên khi cây cầu đi bộ, rực rỡ sắc màu hiện ra trước mắt. Cách đây chưa lâu, cây cầu đi bộ này vốn thưa vắng, thì nay nhộn nhịp người đi lại, đông đúc bạn trẻ chụp ảnh check-in. Đổi thay đó bắt đầu từ dự án biến cây cầu đi bộ trở thành một không gian văn hóa.

Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật do UBND quận Hoàn Kiếm, phối hợp với các đơn vị, cá nhân, tổ chức. Cây cầu đi bộ với chủ đề “Nước” giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê, trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ với địa điểm Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí và địa hình đặc thù trên cầu đi bộ, biến cây cầu trở thành bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng.

Lâu nay, con đường Trần Nhật Duật được xem là biên giới chia Hà Nội thành hai khu khác biệt: trong phố và ngoài đê. Phía bên ngoài đê vốn là những xóm nghèo, chủ yếu là người lao động, đời sống còn nhiều khó khăn, an ninh trật tự còn lộn xộn, thậm chí là ngập ngụa rác thải.

16 nghệ sĩ đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật công cộng thú vị, làm thay đổi diện mạo khu vực nằm giữa khu phố 1 và 2 của phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là khu vực có vị trí ven sông Hồng lịch sử nhưng vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, là nơi nhiều người dân xả rác.

Phúc Tân từng là nơi cửa ngõ giao thương tấp nập trên bến dưới thuyền, lưu trữ lịch sử văn hoá phong phú của Thăng Long Kẻ Chợ. Các nghệ sỹ đã sử dụng rác, lấy yếu tố tái chế trở thành yếu tố quan trọng đưa vào dự án. Tính tương tác với phong cảnh, bối cảnh văn hoá, lịch sử, cây cầu, dòng sông, bến nước đã được các nghệ sỹ dung hòa bằng nghệ thuật, và thể thắp sáng vùng đất này.

Hay những vòm cầu cạn đường sắt trên phố Phùng Hưng từng có quãng thời gian mọc rêu không ai để ý. Giờ đây, chúng đã trở thành không gian bích họa phố Phùng Hưng - điểm đến ưa thích của công chúng Thủ đô và khách du lịch.

Một không gian nghệ thuật được “đánh thức” theo một cách rất lạ, được triển khai ở những không gian vốn bị lãng quên. 

Hà Nội giờ đây có nhiều không gian sáng tạo liên kết với yếu tố lịch sử, văn hóa bản địa, ngữ cảnh của đường phố, cảnh quan, thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa sáng tạo và phát triển, giữa bảo tồn và khai thác vốn cổ bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng sáng tạo của nghệ sĩ và quản trị sáng tạo của chính quyền địa phương. 

Đặc biệt, việc Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO tạo động lực mới để Hoàn Kiếm lan tỏa những giá trị văn hóa, sáng tạo đến mọi không gian, cả những không gian sinh hoạt thường nhật và di tích cổ xưa.

Thực hiện: Hải Hà - Hoàng Thuyên