Video Phóng sự VOV

Kiên Giang: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, bảo đảm phù hợp giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến

Trước thực tế nguồn thủy sản tự nhiên giảm dần, tỉnh Kiên Giang đã cơ cấu lại ngành thuỷ sản bằng cách giảm số lượng tàu cá, sắp xếp lại ngành khai thác phù hợp, bảo đảm sinh kế cho ngư dân gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
16:29 - 02/12/2024

Kiên Giang: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, bảo đảm phù hợp giữa khai thác, nuôi trồng và chế biến

Trước tình hình nguồn lợi thuỷ sản ở ngư trường trong nước ngày càng cạn kiệt, nhiều ngư dân ở các xã đảo trong tỉnh Kiên Giang đã chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thuỷ sản. Đây được xem là cách làm đúng hướng, giúp người dân trên đảo phát triển kinh tế ổn định. Xã đảo Hòn Nghệ cách đất liền 15km thuộc huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên hơn 349 ha. Trước đây, người dân xã đảo sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản. 5 năm trở lại đây, người dân đã chủ động chuyển hướng từ khai thác đánh bắt sang nuôi cá lồng bè trên biển mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Hồ Trung có hàng chục năm đi thuyền khai thác cá tự nhiên, tuy nhiên 6 năm trước ông đã quyết định dừng việc khai thác cá tự nhiên, đầu tư 80 lồng trên diện tích 7500m2 mặt nước nuôi cá bống mú. Cá mú có giá trị kinh tế cao, cá ở đây chủ yếu xuất sang Hồng Kông, ngoài ra, còn được thương lái các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thu mua để tiêu thụ trong nước. Mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi hàng tỷ đồng. 

Từ đầu năm đến nay, ngư dân các khu vực ven biển, ven đảo ở Kiên Giang đã thả nuôi hơn 2.800 lồng cá biển, đạt trên 70% kế hoạch, sản lượng thu hoạch hơn 2.000 tấn. Hộ gia đình ông Lê Văn Xẻo là hộ nuôi cá lồng bè lớn nhất khu vực xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải. Từ năm 2022 đến nay, gia đình ông được huyện Kiên Hải lựa chọn là hộ kiểu mẫu, được huyện đầu tư thí điểm việc đưa lồng nhựa HDPE thay thế lồng bè gỗ truyền thống mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn, được ngành chuyên môn và người nuôi đánh giá cao.

Đầu ra của một số loài cá nuôi biển như cá Mú Sao, cá Bóp, cá Hồng Mỹ đang nuôi ở Hòn Nghệ, Lại Sơn là tương đối ổn định. Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi cá lồng bè là cần số vốn lớn và kỹ thuật nuôi. Người dân rất mong mỏi trong thời gian tới, được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn về nhu cầu về vốn để có chính sách mới, bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân an tâm chuyển đổi từ đánh bắt sang nuôi trồng và có đời sống ổn định hơn.

Bên cạnh việc giảm số lượng tàu cá, sắp xếp lại ngành khai thác, phát triển nghề nuôi trồng cá tái tạo nguồn lợi thủy sản thì tỉnh Kiên Giang sẽ chú trọng phát triển nghề lưới vây khơi, câu khơi từng bước xóa bỏ các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt sử dụng chất nổ, xung điện. Cùng với đó tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản 

Đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, những giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đây là cơ sở thực hiện hiệu quả chiến lược xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh tại tỉnh Kiên Giang trong tương lai./.

Thực hiện: Lan Anh – Sỹ Thành