Kiên Giang phát huy thế mạnh nghề nuôi biển
Gần 20 năm hình thành và phát triển, nghề nuôi cấy ngọc trai theo công nghệ Australia và Nhật Bản ở thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) đã tạo cho “đảo ngọc” này một sản phẩm du lịch độc đáo.
Với tổng diện tích hơn 500ha, hàng năm, cơ sở nuôi cấy ngọc trai Ngọc Hiền cung cấp cho thị trường mỗi năm khoảng 450 nghìn viên ngọc trai, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Không riêng ngọc trai, việc phát triển nghề nuôi biển đã tạo ra nguồn thu nhập khá cho người dân. Tại vùng biển An Thới, thành phố Phú Quốc, ông Võ Văn Quang đã mạnh dạn thí điểm nuôi mực ống trong lồng bè, vốn thường được dùng để nuôi cá. Kết quả bước đầu thành công ngoài dự kiến. Với 3 lồng nuôi, mỗi tháng, ông Quang thu hoạch gần 1 tấn mực ống cỡ 14-15 con/kg, giá bán tại lồng cho thương lái thu mua là 500.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, số tiền lãi thu được khoảng 150 triệu đồng/tháng.
Tính đến Quý 1 năm 2023, tổng diện tích nuôi thủy hải sản của tỉnh Kiên Giang là hơn 220.350 ha, đạt 57,5% kế hoạch, tăng 26,69% so với cùng kỳ. Trong đó, nuôi tôm nước lợ 122.950 ha, với các loại hình thâm canh - bán thâm canh, tôm - lúa và quảng canh cải tiến; cá lồng bè trên biển hơn 2.970 lồng; nhuyễn thể hơn 17.100 ha, với các loài hến, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa…; cua biển trên 65.000 ha và những loài thủy hải sản nuôi khác.
Mặc dù giàu tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, song thực tế cho thấy nghề biển ở tỉnh Kiên Giang vẫn buộc lộ nhiều hạn chế. Đa số các cơ sở nuôi biển hiện nay thủ công, tự phát, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hộ ngư dân là chủ thể… nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 số lượng lồng nuôi biển của tỉnh đạt 7.500 lồng, sản lượng 113.530 tấn. Nếu được đầu tư khai thác tốt hơn nữa, tiềm năng nuôi biển của tỉnh hoàn toàn có thể đạt 1tỷ USD/năm, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh Kiên Giang.
Thực hiện: Minh Quyên – Hoàng Thuyên