Video Phóng sự VOV

Kiên Giang: Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu

Công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu là thế mạnh, lĩnh vực kinh tế chủ lực của Kiên Giang trong chiến lược phát triển KTXH của tỉnh.
18:35 - 28/11/2024

Kiên Giang: Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có hơn 40 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu qua 50 thị trường quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo đó, mặt hàng hàng thủy, hải sản xuất khẩu qua 45 thị trường, với các thị trường chiếm kim ngạch lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tỉnh Kiên Giang đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, tiềm năng gắn với củng cố và khai thác các thị trường truyền thống. Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam, đã phát triển mạnh mẽ tại các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản, Châu Âu, Đài Loan, và Hồng Kông. 9 tháng đầu năm 2024, KTC FOODS đã xuất khẩu 330 container tương đương với 6200 tấn thành phẩm, kim ngạch xuất khẩu gần 20 triệu USD.

Với hơn 20 năm làm trong linh vực nông nghiệp, công ty TNHH Huy Nam là một trong 4 doanh nghiệp lớn của tỉnh về lĩnh vực chế biến thủy hải sản xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU) như: quản lý chất lượng theo GlobalGap, ASC, MSC, BRC và sản phẩm có nguồn gốc khai thác hợp pháp rõ ràng. Mỗi năm, công ty chế biến và xuất khẩu được 1.300 – 1.500 tấn sản phẩm sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á với kim ngạch xuất khẩu trị giá 20 triệu USD. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hơn nữa trong việc xuất khẩu nông sản chế biến - xứng đáng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh Kiên Giang thì cần sự hợp tác giữa các bên như nộng dân đánh bắt, người thu mua và người sản xuất.

Trước nhu cầu cấp thiết của các bên liên quan, tỉnh đã xây dựng nhiều đề án đảm bảo tính đồng bộ tập trung. Để phát triển công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam, tỉnh Kiên Giang cần nghiên cứu sâu hơn, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nông sản chủ lực gắn với xây dựng các chuỗi liên kết nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, tạo bệ đỡ cho các nhóm cây trồng chủ lực này phát triển toàn diện. Ngoài ra, Kiên Giang cũng cần có những chính sách thiết thực để thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương, trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả khu vực.

Thực hiện: Lan Anh – Sỹ Thành