Lận đận tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP
Là một trong những địa phương đi đầu thực hiện chương trình OCOP với rất nhiều nỗ lực trong xúc tiến thương mại, thế nhưng đại diện ngành công thương tỉnh Hải Dương phải thừa nhận sau nhiều năm triển khai chương trình, các cơ sở sản xuất sản phẩm ocop đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
Nguyên nhân được xác định là do hầu hết các đơn vị tham gia Chương trình OCOP đều là các chủ thể nhỏ lẻ, các hợp tác xã quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết, năng lực tài chính, quản lý…. dẫn đến tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe trong hoạt động thương mại của thị trường thời kỳ hội nhập.
Năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo, đây là cơ hội rất lớn cho các sản phẩm nội địa, đặc biệt là sản phẩm đặc sản vùng miền. Hiện nhiều địa phương đang đẩy mạnh các chương trình thúc đẩy tiêu thụ đặc sản vùng miền thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, trong đó đặc biệt chú trọng kênh tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Các hoạt động này kỳ vọng sẽ góp phần giúp các HTX quảng bá, giới thiệu nông sản đặc trưng của các vùng miền; tạo sự gắn kết, xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các HTX trong thời gian tới./.
Thực hiện: Vũ Đào - Trọng Khánh