Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về ban hành Tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao Sở Công Thương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ của các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Nằm ven sông Hồng với địa hình tương đối bằng phẳng, Hưng Yên tạo ra lợi thế với những bãi bồi đầy ắp phù sa. Với khí hậu thuận lợi và kỹ thuật thâm canh được đúc kết từ nhiều đời, người dân Hưng Yên đã đẩy mạnh sản xuất các giống cây trồng đặc trưng của vùng miền như nhãn lồng, chuối tiêu hồng Khoái Châu, cam Hưng Yên, vải trứng Hưng Yên, vải lai chín sớm Phù Cừ, nghệ Chí Tân…
Đến tháng 11 năm 2023, tỉnh Hưng Yên đã công nhận cho hơn 250 sản phẩm OCOP. Những sản phẩm này đều đảm bảo về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đồng thời tuân thủ theo các điều kiện về tem, nhãn truy xuất nguồn gốc.
Từ năm 2020 - 2023, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã ban hành kế hoạch xây dựng, hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 12 điểm trên địa bàn tỉnh bao gồm thành phố Hưng Yên, huyện Ân Thi, Văn Lâm, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và huyện Yên Mỹ.
Các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, khẳng định được uy tín thương hiệu và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Tỉnh Hưng Yên hiện có gần 60 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 350 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hơn 700 trang trại cùng một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, phát triển toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng như: Vùng sản xuất cây ăn quả, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Đây là những lợi thế để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống có lợi thế tham gia chương trình OCOP, tạo nên những sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.
Để giúp các chủ thể phát triển, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, tỉnh Hưng Yên đã và đang chỉ đạo quyết liệt các huyện, thị xã, thành phố, các ngành chức năng đẩy mạnh, đa dạng công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện để tham gia triển khai thực hiện chương trình OCOP. Đồng thời, tỉnh thực hiện rà soát, lựa chọn, hướng dẫn lập và tổ chức các dự án thành phần chương trình OCOP. Đặc biệt, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với phát triển thị trường.
Thực hiện: Bá Phước, Hoàng Giang, Anh Phương