Video Muôn màu cuộc sống

Lan tỏa văn hóa dân tộc qua thổ cẩm

Thổ cẩm là sản phẩm đặc trưng của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Thông qua những câu chuyện văn hóa, thổ cẩm được lan tỏa trong cuộc sống. Từ sản phẩm thổ cẩm, nghệ nhân Sầm Thị Tình đã mang những nét văn hóa độc đáo riêng có ra thị trường trong và ngoài nước.
15:18 - 29/09/2024

Lan tỏa văn hóa dân tộc qua thổ cẩm

Những sản phẩm thổ cẩm gắn với sinh hoạt văn hóa cưới hỏi của cộng đồng người Thái đang được phát triển thành kế sinh nhai cho phụ nữ, đồng thời lan tỏa câu chuyện văn hóa dân tộc Thái khắp trong và ngoài nước. Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Tiến do nghệ nhân Sầm Thị Tình và gia đình sáng lập tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, là tâm huyết của những người phụ nữ dân tộc thiểu số nhằm lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho phụ nữ nơi đây.

Những sản phẩm của Hoa Tiến đều được làm hoàn toàn thủ công và do chính những người dân địa phương làm ra. Từ khâu trồng bông, xe sợi, dệt vải, đến việc tạo hoa văn và làm ra các sản phẩm thời trang. Mỗi công đoạn đều được làm hết sức tỉ mỉ, sử dụng hoàn toàn nguyên liệu tự nhiên. Chẳng hạn như để tạo màu nhuộm vải, nghệ nhân sử dụng các loại như lá bàng tạo màu xanh, củ nghệ hoặc hoàng đằng để tạo màu vàng, màu hồng từ cánh kiến, ..vv . Cách tạo ra hoa văn cũng đều là những cách thức truyền thống như tạo hoa văn trên khung dệt, thêu lên vải, vẽ sáp ong hay nhuộm buộc vải,..

Nỗ lực duy trì phương thức sản xuất truyền thống nhằm bảo tồn các kỹ thuật đã có từ hàng trăm năm nay vừa phù hợp với đời sống người dân vừa thân thiện với môi trường. Đó cũng là mục tiêu về thời trang bền vững mà nhiều nhà thiết kế đang theo đuổi. Đồng hành với Nghệ nhân Sầm Thị Tình, nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh, chủ thương hiệu thời trang La Phạm đang cùng nhau tôn vinh và bảo tồn văn hóa cùng những phương thức truyền thống được trao truyền qua những mảnh thổ cẩm.

Để thổ cẩm có sức sống, mang lại giá trị kinh tế thì việc tạo sức hấp dẫn bằng những câu chuyện văn hóa truyền thống thôi chưa đủ, mà phải đưa được thổ cẩm vào những sản phẩm có tính ứng dụng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, nhất là người trẻ. Nghệ nhân Sầm Thị Tình đã trải qua vô số thử nghiệm với không ít lần thất bại để tăng tính ứng dụng cho thổ cẩm, chẳng hạn như đưa thổ cẩm vào các thiết kế túi xách, ví đầm, các kiểu giày thời trang, thậm chí là tạo ra các sản phẩm dùng để trang trí, phụ kiện thời trang,...

Gần 10 năm phát triển thương hiệu thời trang Hoa Tiến Brocade, Nghệ nhân Sầm Thị Tình đã tạo được nền tảng cơ bản là những sản phẩm thời trang thiết kế dựa trên thổ cẩm được làm hoàn toàn bằng phương thức truyền thống với những nguyên liệu tự nhiên. 

Nỗ lực của chị được đánh giá cao, không chỉ ở chỗ đang góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc mà còn đưa nó trở thành kế sinh nhai, tạo công ăn việc làm cho người phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, góp phần vào nâng cao vị thế và sức mạnh cho phụ nữ yếu thế. Nghệ nhân Sầm Thị Tình đã được nhận nhiều bằng khen của các cấp hội phụ nữ, các tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em, các tổ chức quốc tế vì quyền lợi của phụ nữ.

Người phụ nữ dân tộc Thái bé nhỏ từ huyện miền núi xa xôi ở Nghệ An vẫn đang không ngừng nỗ lực đem văn hóa thổ cẩm của đồng bào mình lan tỏa đến khắp trong và ngoài nước./.

Thực hiện: Phạm Hằng - Trọng Đại - Thùy Linh