Video Phóng sự VOV

Lạng Sơn: Đẩy mạnh phát triển du lịch vùng biên

Được coi là cửa ngõ “Phên dậu” nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn hội tụ nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, với nền Văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tận dụng tiểm năng lợi thế, Lạng Sơn đã chú trọng phát triển du lịch vùng biên hiệu quả.
22:11 - 24/11/2023

Lạng Sơn: Đẩy mạnh phát triển du lịch vùng biên 

Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, với lợi thế về vị trí địa lý, đường biên giới dài, mạng lưới giao thông đường bộ đang phát triển, đặc biệt có tuyến đường AH1 xuyên ASEAN kết nối với các thị trường có nhu cầu du lịch đường bộ cao. Có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn hấp dẫn, Lạng Sơn cửa ngõ phía Đông Bắc đủ điều kiện cơ bản để phát triển du lịch biên giới đường bộ và thu hút du khách quốc tế đến bằng đường bộ qua biên giới. Thực hiện chủ chương của Chính phủ trong việc mở cửa toàn diện du lịch, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh phát triển du lịch đầy đủ hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, đảm bảo tính an toàn của các hoạt động du lịch.

Tận dụng những tiềm năng văn hóa vốn có, đặc biệt nắm bắt xu hướng du khách hiện nay thích tìm về môi trường tự nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa, UBND tỉnh Lạng Sơn đã triển khai xây dựng, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng (homestay) trên cơ sở hài hòa giữ bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Dao. 

Nhận thấy những tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn đặc biệt là khu vực Đồng Lâm, STELLA Đồng Lâm là một trong số các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, xây khu nghỉ dưỡng (homestay) với đầy đủ các tiện ích nhằm hướng đến thông điệp “bình yên giữa thiên nhiên” khi khách du lịch đến thăm Lạng Sơn.

Nhằm giới thiệu, quảng bá các tiềm năng thế mạnh của tỉnh trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch; quảng bá nét đẹp sinh hoạt văn hóa độc đáo, đặc sắc, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thu hút khách du lịch như: lễ hội mùa vàng, trải nghiệm thảo nguyên Đồng Lâm: cưỡi ngựa, trèo thuyền kayak, Trekking. Hành trình du lịch tâm linh: Đền Công Đồng Bắc Lệ, Đền Mẫu Đồng Đăng, Đền Chầu Mười Đồng Mỏ, Đền Chầu Năm Suối Lân…, Du lịch đường biên mậu cùng với đó là trải nghiệm những nét văn hoá ẩm thực đặc sắc mang đậm phong vị riêng như: phở chua, vịt quay, khau nhục, xá xíu, thịt lạp, xôi ngũ sắc, bánh cuốn, bánh phồng, măng ớt, khẩu Shi góp phần tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển.

Lạng Sơn có tổng số 335 di tích với 4 loại hình gồm: Di tích Lịch sử cách mạng kháng chiến; di tích Khảo cổ; di tích Kiến trúc Nghệ thuật; di tích Danh lam thắng cảnh trong đó có 130 di tích xếp hạng các cấp gồm: (02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 100 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Đây là tiềm năng lớn để ngành du lịch từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Quan điểm của UBND tỉnh Lạng Sơn là hướng đến phát triển du lịch hiệu quả, an toàn, phát triển sản phẩm đa dạng, đặc trưng trong đó tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp theo hướng bền vững, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, hướng dẫn hỗ trợ người dân địa phương phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, coi trọng đảm bảo an toàn để Lạng Sơn thực sự là một điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế./.

Biên tập: Hữu Quảng – Tùng Lâm