Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo sẽ nhịn ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, ăn bữa tối linh đình, và cùng nhau đến các nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện. Đại dịch Covid-19 khiến cho cách đón tháng Ramada thay đổi hoàn toàn. Nhiều quốc gia đã đóng cửa các thánh đường Hồi giáo, cấm tập trung cầu nguyện và ăn uống đông người.
Trong lịch sử 1.400 năm của đạo Hồi, Nhà thờ lớn ở Mecca và Nhà thờ Hồi giáo Tiên tri ở Medina – 2 địa điểm linh thiêng nhất đã phải đóng cửa trong tháng lễ năm nay.
Chỉ Imam - Đạo trường Hồi giáo của nhà thờ và các nhân viên khác như nhân viên an ninh, dọn dẹp và cấp dưỡng mới được phép cầu nguyện bên trong.
Ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, các nhà thờ cũng vắng lặng. Nhà thờ Istiqlal, nhà thờ chính của đất nước này đã phát đi lời kêu gọi mọi người cầu nguyện ở nhà.
Ở Ấn Độ, chỉ có 5 tín đồ tới cầu nguyện ở nhà thờ Jama Masjid.
Tại các quốc gia Hồi giáo Nam Á khác, như Bangladesh và Pakistan, các nhà thờ đều đóng cửa.
Ở Koenigsbrunn, Đức, thông thường, đạo trưởng Israfil Polat ăn bữa iftar vào cuối ngày cùng các tín đồ khác trong dịp này sau khi cầu nguyện xong. Nhưng giờ, tất cả các hoạt động này đều gói gọn ở trong nhà.
Ở Đức, các cuộc tụ họp tôn giáo, bao gồm cả những buổi cầu nguyện thứ 6, đều phải dừng từ giữa tháng 3, khi lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 có hiệu lực.
Đức hiện đã cho phép một số học sinh trở lại trường học và một số doanh nghiệp mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nhà thờ Hồi giáo, nhà thờ Cơ đốc giáo và các giáo đường vẫn đóng cửa.
Ở Ai Cập, chính quyền có biện pháp nới lỏng hơn trong tháng lễ này, khi rút ngắn 1 tiếng đồng hồ lệnh giới nghiêm ban đêm để người dân có thể tiến hành các hoạt động tôn giáo.
Giờ giới nghiêm ban đêm bắt đầu từ 9 giờ tối thay vì 8 giờ như mọi khi, và kéo dài đến 6 giờ sáng. Một số hạn chế khác đã được nới lỏng, như cho phép các cửa hàng và nhà hàng giao đồ ăn. Nhưng nếu các ca nhiễm tiếp tục tăng, các nhà chức trách sẵn sàng đóng cửa các cơ sở này.
Tuy vậy, người ta cũng đã nghĩ ra nhiều thứ để mang đến niềm vui cho các em nhỏ trong tháng lễ Ramadan, chẳng hạn như đèn lồng, và cả những chiếc áo phông in hình đèn lồng phát sáng.
Một cục pin nhỏ được gắn vào chiếc áo phông in đèn lồng, chỉ cần ấn nút sẽ bật sáng. Áo có thể dễ dàng giặt giũ.
Gần 100 áo phông được sản xuất mỗi ngày và được bán trực tuyến. Áo được khử trùng trước khi giao đến tận nhà khách hàng. Xưởng sản xuất áo phông cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 10 tuổi. Giá mỗi chiếc áo là 100 bảng Ai Cập (tương dương 6,34 USD).
Từ tháng 3, Ai Cập đã đóng cửa các sân bay và khách sạn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Mời quý vị xem các chương trình Click - Khám phá thế giới đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.