Núi Sam còn được gọi là Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn nằm độ cao 284m so với mực nước biển. Từ chân núi Sam, dọc theo triền núi Sam lên tới tận đỉnh núi, ta sẽ được chiêm ngưỡng nhiều di tích nổi tiếng, chứa đựng những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, kiến trúc, hội họa, tâm linh, tín ngưỡng tạo nên sự linh thiêng cho ngọn núi này.
Sự linh thiêng của núi Sam, cùng lịch sử thời sơ nguyên của vùng đất Châu Đốc nên được tìm hiểu từ miếu Bà Chúa Xứ nằm ngay dưới chân núi Sam.
Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam dược xây dựng to đẹp, bề thế, bên trong thờ tượng Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng. Tương truyền xưa kia tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam. Theo truyền thuyết, những năm 1820 – 1825, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta, có lần chúng đuổi theo dân lên đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng ra sức khiêng tượng Bà xuống núi nhưng đến một đoạn thì lạ thay tượng Bà nặng trĩu, không nhấc lên được. Một tên trong đó tức giận làm gãy cánh tay trái của Bà, ngay lập tức hắn bị Bà trừng phạt. Từ đó, Bà thường hiện về tự xưng là Bà Chúa Xứ dạy dân cách lập miếu thờ để Bà phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp, thoát khỏi dịch bệnh. Khi nhìn thấy sự linh ứng, người dân quyết định khiêng tượng Bà về thờ cúng nhưng lạ thay mấy chục thanh niên cường tráng không thể lay chuyển được tượng Bà. Trong lúc đó, có một cô gái “lên đồng” báo rằng Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng, quả nhiên tượng Bà được khiêng xuống một cách dễ dàng. Nhưng khi khiêng đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch, không thể khiêng một bước nào nữa. Lúc đó các bậc cao niên nghĩ rằng Bà chọn nơi đây để an vị và lập miếu thờ cúng ngay chỗ đó.
Trong dòng chảy của thời gian, sự linh thiêng của núi Sam là sự tổng hòa của tín ngưỡng dân gian và Phật Giáo, là sự tổng hòa của Phật giáo với tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó chính là câu chuyện về chùa Tây An nơi triền núi Sam huyền thoại.
Nằm ngay sát cạnh quần thể miếu Bà Chúa Sứ và lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An là dấu ấn của Phật giáo trên một vùng đất linh thiêng.
Là vùng đất biên thùy, An Giang ở vào giai đoạn nào cũng luôn là một vùng đất trọng điểm. Năm Thiệu Trị thứ 7 1847, tổng đốc Tổng đốc An-Hà (An Giang và Hà Tiên) là Doãn Uẩn đánh đuổi được quân Xiêm La, bảo vệ thành công vùng đất biên ải phía Tây Nam của Tổ quốc. Để ghi nhớ chiến thắng này, ông đã cho xây dựng chùa Tây An với ý nghĩa trấn an bờ cõi phía Tây của đất nước, trở thành ngôi chùa đầu tiên của tỉnh An Giang.
Trải qua hàng trăm lịch sử, vùng đất Châu Đốc hôm nay đã đổi khác rất nhiều, thế nhưng núi Sam linh thiêng thì vẫn sừng sững, uy nghi, trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng nhất nhì xứ này. Sự linh thiêng ấy là tổng hòa của lịch sử, của tín ngưỡng, là những câu chuyện về các nhân vật đã gắn số phận mình với mảnh đất biên thùy phía Tây Nam của Tổ quốc này.
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.