Video Tin trong nước

Luật Trật tự ATGT đường bộ hướng đến bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông

Quốc hội đang cho ý kiến về dự án Luật Trật tự ATGT đường bộ, dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Dự án luật này đã quan tâm nhiều hơn đến đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông là trẻ nhỏ, so với luật đường bộ 2008.
20:31 - 18/05/2024

LUẬT TRẬT TỰ ATGT ĐƯỜNG BỘ HƯỚNG ĐẾN BẢO VỆ TRẺ EM KHI THAM GIA GIAO THÔNG

Hiện Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Mới đây, theo khảo sát của Đại học Y tế cộng đồng tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, có tới hơn 42% phụ huynh cho con ngồi ở ghế phụ trước trong xe ô tô, trong đó có 19,2% được người lớn ôm, bế ở ghế phụ. Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn rất thấp ở cả 3 thành phố, chỉ chiếm 1,3% và cao nhất ở Hà Nội là 2,6%. 

Khoảng trống trong luật TT ATGT đã tồn tại nhiều năm qua. Để kịp thời vá lỗ hổng pháp lí này, mới đây Bộ công an tiếp tục đưa nội dung này vào dự thảo luật TT ATGT đường bộ. Trong đó, quy định rõ ràng về quy chuẩn thiết bị an toàn cho trẻ trên xe cá nhân và xe kinh doanh vận tải, việc bố trí chỗ ngồi cho từng lứa tuổi, từng chiều cao cân nặng của trẻ, để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trẻ em có thể gặp phải.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, khi tham gia giao thông bằng ô tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em khi ngồi ở ghế sau kể cả trường hợp dùng thiết bị an toàn và không dùng thiết bị an toàn. Với trẻ em không dùng thiết bị an toàn nguy cơ chấn thương ở trẻ em ngồi ghế sau giảm 26% so với trẻ ngồi ghế trước. Với trẻ em có dùng thiết bị an toàn thì nguy cơ này giảm 14%. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ôtô mỗi năm tại Việt Nam./.

Thực hiện: Thu Hương - Quốc Hùng - Chí Phương