Người Tày ở Thái Nguyên thường sống tập trung trong những bản làng với vài chục nóc nhà. Theo những biến động của thời gian, những căn nhà sàn truyền thống của người Tày có xu hướng biến đổi. Ở một vài nơi, người dân chuyển sang ở nhà đất, nhà tầng hoặc cũng là nhà sàn nhưng đã được bê tông hóa và có sự biến đổi về kiến trúc, không gian, và quy mô… Vì vậy, việc gìn giữ được những nếp nhà sàn cổ của người Tày trở thành một việc vô cùng cấp bách.
Tại bản làng Thái Hải, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, nơi còn lưu giữ nguyên vẹn những nếp nhà sàn cổ có tuổi đời gần trăm năm tuổi của người Tày, mỗi ngôi nhà sàn truyền thống đều được đặt trên một quả đồi, xung quanh là vườn cây. Bóng dáng của những cây cọ nằm giữa rừng cây rợp bóng như nhắc nhớ người Tày về vị trí quan trọng của một loại cây gắn đời, gắn kiếp với người Tày từ lúc sinh ra cho đến khi tạ từ về với đất mẹ.
Chọn nơi cư trú trên cái triền núi thấp, gần rừng… nên người Tày thường sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường như tranh tre, nứa lá… để dựng nhà. Những bờ rào thường làm bằng các loại phên, liếp đan bằng tre, nứa, giản dị, nhưng không kém phần bền, chắc.
Trong tổ hợp công trình đó, nổi bật lên là ngôi nhà chính, nơi tập chung mọi hoạt động hàng ngày của các thành viên trong gia đình và cũng là nơi gia chủ giành nhiều công sức nhất để tạo dựng.
Thực hiện: Lê Liên – Nguyên Hạnh – Trọng Đại