Chỉ mất khoảng 5 phút đi phà từ thành phố Châu Đốc, ta đã có thể ghé thăm làng Chăm Châu Giang – nơi vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Chăm vùng miền Tây Nam Bộ.
Thuộc địa phận thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, làng Chăm Châu Giang khoác lên mình vẻ đẹp yên bình và thơ mộng, trái ngược hẳn với vẻ sầm uất của thành phố Châu Đốc phía bên kia bờ sông Hậu.
Trong rất nhiều những điều để bạn có thể nhận ra làng Chăm Châu Giang, những Thánh đường có lẽ là điều đặc trưng hơn cả. 100% đồng bào dân tộc Chăm ở Châu Giang theo đạo Hồi, và trong trái tim của những tín đồ Hồi giáo, Thánh đường là nơi linh thiêng nhất.
Trong đời sống của người Chăm ở Châu Giang nói riêng và của các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới nói chung, Thánh đường là nơi uy nghi và linh thiêng bậc nhất. Đây là nơi mà một ngày 5 lần những người đàn ông Chăm, nếu có điều kiện, sẽ ghé qua để làm lễ, và không được phép vắng mặt vào buổi lễ trưa thứ 6 hàng tuần. Đây là nơi các lời răn dạy trong kinh Qur’an được các tín đồ Hồi giáo người Chăm ở ấp Châu Giang này cầu nguyện bằng đức tin suốt cả một cuộc đời.
Nếu muốn đặt chân vào bên trong nhà nguyện, hãy ăn mặc kín đáo và che đi mái tóc của bạn. Người Chăm ở Châu Giang sống hòa hợp và cởi mở, vậy nên phụ nữ được phép đến thăm các thánh đường, và bước chân vào nhà nguyện.
Sàn nhà nguyện được trải thảm có họa tiết hoa văn rất cầu kỳ, có tác dụng lót cho đầu gối các tín đồ khi hành lễ ở tư thế quỳ, cúi lạy đầu luôn chạm sàn.
Bên trong nhà nguyện không có bàn thờ, hay tượng, ảnh thờ. Bởi theo quan niệm Hồi giáo chỉ công nhận một Đấng Toàn Năng duy nhất đó là Thánh Allah. Nhưng Allah không có hình dạng cụ thể, là Đấng vô hình có mặt ở khắp mọi nơi. Bởi vậy nên nội thất chính điện thánh đường Hồi giáo hoàn toàn trống trải.
Không chỉ là nơi gửi gắm đức tin, Thánh đường còn là nơi người Chăm ở Châu Giang gìn giữ những giá trị tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của dân tộc mình: ngôn ngữ và chữ viết.
Thánh đường là nơi các em nhỏ người Chăm, ngoài giờ lên lớp, ghé đến để học chữ viết của người Chăm, để nói thứ ngôn ngữ của dân tộc mình và để học những điều răn dạy trong kinh Qur’an khắc sâu trong đời sống.
Trong nhà người Chăm không bày bàn ghế, khách đến nhà sẽ được mời ngồi trên sàn. Người Chăm nổi tiếng hiếu khách, dù bạn chỉ là khách qua đường ghé vào tham quan, bạn cũng sẽ được mời vào nhà bằng một thái độ niềm nở nhất.
Có lẽ dành ra một ngày để khám phá ngôi làng đặc sắc này là không đủ bởi tất cả những gì là thiêng liêng nhất, là tinh hoa nhất đều được những người Chăm gói ghém lại trong cuộc sống ở nơi đây. Và ngày hôm nay, trên mảnh đất Châu Giang này, người Chăm vẫn giữ gìn nguyên vẹn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, để mảnh đất Châu Giang bỗng trở nên thật nên thơ, thật hiền hòa trong mắt của biết bao du khách đã từng ghé nơi đây.
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.