Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía
Thực tế cho thấy, nhờ sự vào cuộc tích cực của KTNN và các cơ quan, đơn vị được kiểm toán, tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thời gian qua đã có những điểm sáng được ghi nhận với tỷ lệ thực hiện trung bình đạt khoảng 75-80%/năm.
Tuy nhiên, thực trạng “bức tranh” tổng thể về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 vẫn còn những “gam màu tối” thể hiện qua nhiều kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng trong nhiều năm với số kiến nghị xử lý tài chính chưa thực hiện lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng; cùng gần 700 kiến nghị về cơ chế chính sách vẫn còn “treo”, chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ cho phù hợp với thực tiễn; hơn 700 kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân cũng chưa được thực hiện.
Qua kết quả rà soát, phân tích của KTNN đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến ngày 31/3/2023 cho thấy: Nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán chiếm 56%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN chiếm 2,1%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 15,7%; nhóm nguyên nhân khác chiếm 26,2%.
Trên thực tế, KTNN không có quyền áp đặt các đơn vị chấp hành thực hiện theo kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, bản thân mỗi đơn vị cần phải thấy rằng, được KTNN chỉ ra, kiến nghị chấn chỉnh, đó là điều tốt cho chính đơn vị, địa phương, để từ đó chủ động, nghiêm túc sửa đổi theo kiến nghị kiểm toán./.
Thực hiện: Vũ Đào - Thành Đức