Nên công nhận những chữ ký điện tử đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý
Góp ý về nội dung thời điểm gửi nhận thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu của các chủ thể được xác định trong các trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì ở bất kỳ địa điểm nào, thông điệp dữ liệu được gửi đi và nhận thì địa điểm đó vẫn được coi là trụ sở của người gửi, người nhận nếu người gửi, người nhận là cơ quan, tổ chức; được coi là nơi cư trú nếu người gửi, người nhận là cá nhân. Tuy nhiên, quy định này lại mâu thuẫn với một số luật khác.
Về chữ ký điện tử, theo dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), hình thức của chữ ký điện tử chỉ bao gồm một trong ba loại sau: Chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng công vụ. Các đại biểu cho rằng, quy định này có phần chưa sát thực tiễn giao kết giao dịch trên môi trường điện tử. Bởi, trên thực tế có ba loại chữ ký điện tử được sử dụng phổ biến: chữ ký số; chữ ký scan, chữ ký hình ảnh.
Cho rằng, hiện nay, trên không gian mạng đang có nhiều hiện tượng lợi dụng, lừa đảo trong giao dịch điện tử, một số ý kiến đề nghị cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật cần có quy định áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng