Sau hơn 6 năm triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động, với việc mở rộng nhiều chính sách chế độ hỗ trợ phòng ngừa và các nội dung chi từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, bên cạnh những tác động tích cực mang lại cho người lao động và doanh nghiệp, vẫn còn những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai, dẫn tới hiệu quả thực hiện chính sách chưa cao như mong muốn.
Tháng 4 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thanh (50 tuổi, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) trên đường đi làm không may gặp tai nạn giao thông. Vụ tai nạn khiến chị Thanh bị chấn thương cụt đốt ngón tay, bị suy giảm khả năng lao động. Mặc dù đến nay đã được hưởng chế độ tai nạn lao động nhưng chị Thanh vẫn nhớ như in những nhọc nhằn trong quá trình làm hồ sơ vì bị vướng bởi biên bản xác nhận sự việc.
Không riêng chị Thanh, nhiều trường hợp khác cũng gặp phải vướng mắc này vì khi bị tai nạn giao thông trên đường đi tới hoặc về từ chỗ làm việc, người lao động cần có hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông hoặc ít nhất là văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã/hoặc của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp vì thiếu các xác nhận này hoặc không có người chứng kiến nên nhiều người lao động đành “bỏ cuộc”.
Ngoài những nguyên nhân do vướng mắc về thủ tục pháp lý thì lý do đôi khi còn nằm ở chính bộ phận thực thi. Sự thiếu quan tâm, thiếu hiểu biết của đội ngũ làm công tác an toàn, chính sách ở một số doanh nghiệp đã vô tình gây ra những thiệt thòi cho người lao động.
Để thực hiện tốt hơn việc giải quyết chế độ hưởng cho người lao động bị TNLĐ, BNN, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tới các chủ doanh nghiệp, NLĐ; Đồng thời cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng mức bồi thường, trợ cấp cho NLD, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn cho NLĐ.
Thực hiện: Minh Quyên – Ngọc Toàn