Nhiều năm trước khi cuộc khủng hoảng rác thải nhựa nổ ra, có một cô bé tên là Melati Wijsen đã tích cực vận động cấm các loại túi nylon ở Bali - hòn đảo mà cô lớn lên. Năm 2013, khi Wijsen mới 12 tuổi, cô bé đã bắt đầu một sáng kiến xã hội mang tên “Tạm biệt túi nylon”, cùng với em gái Isabel Wijsen, lúc đó mới chỉ 10 tuổi. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi người dân Bali "nói không với túi nhựa".
Năm nay 19 và 17 tuổi, hai chị em gái Melati và Isabel Wijsen, những người đã từng diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc và tham gia nhiều sự kiện về môi trường quốc tế, đã trở thành cái tên quen thuộc ở Bali, nơi nhựa sử dụng một lần đã bị cấm kể từ tháng 6/2019.
Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện tuyệt vời của Tổng thống Nelson Mandela, công nương Diana và lãnh tụ Mahatma Ghandi trong những bài học ở trường, hai chị em đã suy nghĩ về những điều có thể làm cho môi trường hòn đảo quê hương mình khi phải đương đầu với vấn nạn rác thải nhựa.
Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp Indonesia, nước này là quốc gia xếp thứ hai thế giới về gây ô nhiễm rác thải nhựa tại các đại dương trên thế giới, với việc mỗi người xả ra ít nhất 17kg rác thải nhựa mỗi năm. Trong số đó, chỉ 10% số rác thải nhựa có thể được tái chế. Số còn lại nằm trong các bãi rác, rải rác trong môi trường công cộng, hoặc kết thúc trên bờ biển và trong lòng đại dương.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đầu năm nay, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Luhut Pandjaitan cho biết Indonesia đang có kế hoạch cắt giảm 70% rác thải nhựa trên biển trong vòng 5 năm tới và đặt mục tiêu xây dựng đất nước Indonesia không còn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa vào năm 2040 .
Trong năm nay, mục tiêu của cô gái Wijsen là hướng tới vận động 1.000 doanh nghiệp ở Bali cam kết giảm túi nhựa sử dụng một lần và cô đã nhận được cam kết từ hơn 350 công ty chỉ trong ba tháng. Trong khi đang lên kế hoạch theo học đại học tại Mỹ, Wijsen lại nghĩ tới một dự án khác, đó là xây dựng một nền tảng toàn cầu, với trụ sở đặt tại Bali để kết nối các nhà hoạt động xã hội trẻ lại với nhau vì một môi trường trong xanh và bền vững trong tương lai.
Mời quý vị xem các tin tức Thế giới đó đây đã phát sóng tại đây./.