Những điểm cần lưu ý trong công tác xét tuyển đại học 2023
Về công tác tuyển sinh năm 2023, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết quy chế tuyển sinh năm nay được giữ cơ bản ổn định như năm 2022, không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Bộ tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh trực tuyến, trên hệ thống chung.
Về điểm mới, năm nay, lịch xét tuyển đại học dự kiến sớm hơn năm ngoái. Theo đó, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ trước 17h ngày 15/8. Với các phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ 4/7.
Từ ngày 5/7 đến 25/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 30/8.
Với khối ngành đào tạo sức khỏe, giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hôm 20/7. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ diễn ra trong hai tuần, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn một tháng so với năm ngoái. Sự thay đổi này được cho là để các trường có thể bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, trong hơn 521.000 thí sinh trúng tuyển đại học, gần 83,4% xác nhận nhập học. Trong 20 phương thức xét tuyển, có 2 phương thức xét tuyển được lựa chọn nhiều nhất là xét điểm thi tốt nghiệp 48%, xét học bạ hơn 37%. Ba nhóm ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất là Kinh doanh và Quản lý, Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật.
Thực hiện: Lê Liên – Quốc Hùng