Những lưu ý cần biết khi lắp mắt giả
Cách đây 20 năm, tai nạn xe máy khiến đôi mắt của anh Đỗ Ngọc Bình bị chấn thương nặng dẫn đến mù lòa. Anh quyết định lắp mắt giả nhưng do không nắm rõ các bước chăm sóc sau khi lắp mắt khiến sức khỏe của anh bị ảnh hưởng, sốt triền miên.
Qua thời gian, khiếm khuyết của đôi mắt khiến anh cảm thấy tự ti, mặc cảm, chất lượng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng, anh Bình quyết định đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để lắp mắt giả và tuân thủ các bước hướng dẫn chăm sóc mắt giả theo chỉ định của kỹ thuật viên.
Em Hạ Ngọc Quỳnh (6 tuổi) bị đục giác mạc bẩm sinh. Nhận được tư vấn từ các bác sĩ và kỹ thuật viên, chị Huyền quyết định lắp mắt giả cho con để khuôn mặt con được phát triển cân đối, con cũng trở nên tự tin hơn khi đến trường.
Mắt giả còn được biết đến với một tên gọi khác là mắt thủy tinh. Mắt giả không được coi là một con mắt có hoạt động thị lực, đây chỉ là một lớp vỏ bọc các cấu trúc trong hốc mắt. Mắt giả giống mắt thật về kích thước, màu sắc, độ sâu và có thể hoạt động uyển chuyển, linh động giống với mắt còn lại.
Để mắt giả có thể hoạt động một cách tốt nhất, đảm bảo an toàn, người bệnh cần nắm rõ một số lưu ý trước và sau khi lắp mắt giả theo chỉ định của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên.
Lắp mắt giả không chỉ giúp khuôn mặt của người bệnh được cân đối, tăng sự thoải mái cho hốc mắt nơi mắt bị khuyết mà còn tránh ảnh hưởng đến mắt lành còn lại.
Thực hiện: Hồng Thúy – Sỹ Thành