Những vấn đề đặt ra trong năm học mới
Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GDĐT”, năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, cần được thúc đẩy giải quyết để tạo đà cho năm học mới.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc. Hầu hết giáo viên vùng sâu, vùng xa đều thiệt thòi về nhà ở. Việc duy trì học sinh vùng dân tộc thiểu số đến trường còn nhiều khó khăn, đặc biệt là học sinh cấp THCS. Bên cạnh đó, những chính sách về hỗ trợ học phí cho học sinh, chính sách đặc thù cho giáo viên, tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới và phát triển, để ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước./.
Thực hiện: Anh Vũ – Chí Phương – Lê Hải